Thép là vật liệu quan trọng đối với ngành xây dựng khi chiếm từ 10% đến 30% tổng giá trị mỗi dự án xây dựng.
Giá thép liên tục lập đỉnh mới
Trong tháng 1/2021, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép sau khi tăng cao đột biến hồi cuối tháng 12/20 đã giảm trên thị trường toàn cầu và Việt Nam trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Điều này dự báo tính ổn định của thị trường thép nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung. Tuy nhiên, trái với nhận định đó, giá một số loại nguyên liệu, bán thành phẩm sản xuất thép tăng mạnh trở lại như thép phế liệu, HRC, phôi thép,…
Ngay tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá thép xây dựng nội địa đã đạt mức bình quân khoảng 14,500 – 15,100 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và thương hiệu cụ thể. Trong tháng 3/2021, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tiếp tục xu hướng tăng mạnh so với tuần đầu của tháng 2 trên thị trường toàn cầu và Việt Nam. Như vậy, tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá thép trong nước đã tăng 40%-50%. Giá thép leo thang khiến các doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Nguồn: VIRAC, VSA
Điều gì đã gây ra “cơn sốt” giá thép những tháng đầu năm 2021?
Giá nguyên liệu tăng (quặng thép, thép phế, phôi thép)
Thực tế, ngành thép Việt Nam vẫn đang lệ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Mỗi năm ngành thép cần khoảng 15 triệu tấn quặng sắt nhưng nguồn cung trong nước mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3/2021 ghi nhận ở mức trên 170 USD/tấn CFR (tiền hàng cộng cước phí) tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc), tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Đến đầu tháng 5/2021 lên mức 189.4 – 189.9 USD/tấn, tăng mạnh 18.8 USD/tấn, sau đó 3 ngày (7/5/2021) giá quặng giao dịch là 210 – 212 USD/tấn CFR, tăng từ 20.6 – 22.1 USD/tấn.
Tương tự, giá thép phế nhập khẩu cảng Đông Á ngày 6/4/2021 ở mức 442 USD/tấn CFR, giảm 18 USD/tấn so với đầu tháng 3/2021. Nhưng sang đến đầu tháng 5/2021 đã lên mức 466 USD/tấn CFR, tăng 24 USD/tấn so với đầu tháng 4.
Về phôi thép, tính đến ngày 6/4/2021 giá phôi thép ở mức 633 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng khoảng 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020.
Nguồn cung thép xây dựng toàn cầu sụt giảm
Tại Trung Quốc, do chính sách về bảo vệ môi trường và kiểm soát giảm mức độ ô nhiễm do các nhà máy thép gây ra nên Trung Quốc đã liên tục cắt giảm sản lượng từ 2016 và đóng cửa các nhà máy dùng công nghệ gây ô nhiễm và tăng cường sử dụng các lò hồ quang điện EAF (thường có giá thành cao hơn). Việc cắt giảm sản lượng thép của Trung Quốc trong thời gian gần đây dự kiến sẽ đẩy giá thành thép lên mức cao hơn.
Tại Bắc Mỹ và Châu Âu, nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm thép dẹt. Các quốc gia chuyên xuất khẩu cho thị trường này là Canada, Nga, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều nhà máy tại các nước này do ảnh hưởng của COVID-19 đã đóng hẳn do giá thép không đủ cạnh tranh hoặc chưa trở lại hoạt động, đã giảm sản lượng nguồn cung và đẩy giá thép lên cao.
Nhu cầu nhập thép nguyên liệu của TQ tăng đẩy sàn giá thép thế giới tăng cao
Bên cạnh nguyên nhân giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong báo cáo mới đây Tổng cục Thống kê cho biết giá thép thời gian qua còn bị tác động bởi chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu năm 2021 sau khi Trung Quốc kiểm soát được dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng mở đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025).
Nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Giá thép trên thị trường Trung Quốc trong tháng liên tục tăng mạnh do vào mùa xây dựng và lo ngại sản lượng giảm do chính sách bảo vệ môi trường. Giá thép tăng kéo giá các nguyên liệu sản xuất thép tăng theo.
Chính phủ có động thái gì trước tình hình này?
Chính phủ chủ trương điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu đối với thép nguyên liệu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất
Trước kiến nghị của Bộ Công Thương lên Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá, đại diện Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho rằng, việc đặt vấn đề giảm thuế nhập khẩu với thép thành phẩm thời điểm này cần được cân nhắc, để tránh ảnh hưởng ngành thép trong nước.
Hiện nay, thuế suất nhập khẩu với nguyên liệu sản xuất thép dao động từ 0% – 3%, tùy loại, để thúc đẩy sản xuất thép trong nước. Còn thuế suất nhập khẩu thép thành phẩm hiện là 15% với thép hình, thép góc và 20% với thép que. Theo Bộ Tài chính, đây là các mức thuế tuân thủ theo cam kết quốc tế và các quy định thuế xuất nhập khẩu. Với các biện pháp thuế tự vệ, Bộ Công Thương hiện đang áp dụng mức tự vệ 15.3% với phôi thép nhập khẩu, và mức 9.4% với thép dài và sẽ giảm dần trong 2 năm tới.
Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho rằng, có thể xem xét điều chỉnh các chính sách thuế tự vệ này để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất thép và giá thép xây dựng bán ra trên thị trường trong nước. Bên cạnh các giải pháp về thuế để bình ổn thị trường thép, quan trọng hơn cả là cần phải chú trọng các giải pháp để cân đối cung cầu, nâng cao năng lực sản xuất thép trong nước.
Ngoài ra, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị các giải pháp nhằm ổn định cung-cầu và giá thép trong năm 2021, Bộ Công Thương đã đưa ra dự báo, năm 2021 Việt Nam tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6 – 6.5 triệu tấn, than mỡ luyện cốc khoảng 6.5 triệu tấn…