DOANH NGHIỆP NGÀNH THÉP TẠO NÊN KỲ TÍCH GIỮA COVID-19

Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thép lớn

Năm 2020, trước bối cảnh thị trường thép thế giới nhuốm màu ảm đạm, ngành thép Việt Nam lại có một năm thắng lợi. Doanh nghiệp ngành thép từ lớn đến nhỏ như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim,… đồng loạt báo lãi lớn. Trên trường quốc tế, Hòa Phát lọt top 50 công ty thép lớn nhất thế giới. 

Bước sang năm 2021, ngành thép tiếp tục ‘thừa thắng xông lên’. Theo Hiệp hội thép Việt Nam, nhu cầu thép thế giới tăng 4.1% trong năm nay nhờ được thúc đẩy bởi sự hồi phục kinh tế hậu Covid-19 ở các nước phát triển. Sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng trong 3 tháng đầu năm 2021 đều tăng trưởng lần lượt 8% và 10% so với cùng kỳ, duy chỉ có tháng 2 là sụt giảm do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Yếu tố thúc đẩy cung cầu thị trường được nhận định là do hoạt động đầu tư công của Chính phủ đang diễn ra nhanh chóng.

Miếng bánh Thị trường thép Việt được chia cho top 5 công ty lớn, cụ thể: Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), Thép Minh Ngọc, Thép Việt Đức (VGS) và Tôn Nam Kim (NKG). Giá thép tăng, các doanh nghiệp ngành thép hưởng lợi, đặc biệt là các doanh nghiệp chủ động được nguồn cung phôi thép và các doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho dồi dào lúc giá còn thấp trước đó. 

thi-phan-tieu-thu-doanh-nghiep-thep

Nguồn: VIRAC, VSA

Hòa Phát (HPG) lãi lớn trong quý 1

“Ông lớn trong ngành” – Tập đoàn Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp ngành thép hưởng lợi lớn nhất khi giá thép tăng bởi công ty chủ động được nguồn phôi nguyên liệu. Cho đến nay, đây là doanh nghiệp thép xây dựng duy nhất ở Việt Nam thành công với công nghệ lò cao liên động khép kín từ quặng sắt đến thép thành phẩm, hay còn gọi là sản xuất thép từ thượng nguồn.

Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Kinh Môn, Hải Dương có diện tích 132 ha, bao gồm một tổ hợp khép kín từ tối ưu hóa chuỗi giá trị gia tăng trong các công đoạn của chu trình luyện kim, được đánh giá là đầu tư một cách bài bản, có tính đồng bộ, hiện đại và quy mô lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

doanh-nghiep-nganh-thep-Hoa-Phat

Nguồn: VIRAC

Mức sản lượng tiêu thụ và thị phần của HPG tăng trưởng nhờ lợi thế giá thành sản xuất và logistics. Từ khi nhà máy Dung Quất đi vào hoạt động, thị phần năm 2020 của HPG tại thị trường miền Nam tăng 7% và tại miền Trung tăng đến 14%. Thị phần của HPG được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng mở rộng. 

Về cơ cấu doanh thu, mảng sản xuất và kinh doanh thép mang về hơn 28,800 tỷ đồng, chiếm trên 92% tổng doanh thu và tăng 23% so với cùng kỳ. Mảng nông nghiệp mang về gần 2,250 tỷ đồng doanh thu và mảng bất động sản chiếm một phần rất nhỏ với 125 tỷ đồng. Đáng chú ý, riêng mảng thép đã mang về 6,666 tỷ đồng trong tổng số hơn 7,000 tỷ đồng tiền lãi cả quý cho công ty.

Tôn Nam Kim (NKG) tăng trưởng vượt kế hoạch

Tôn Nam Kim (NKG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2021 với doanh thu 4,861 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với con số 2,459 tỷ cùng kỳ năm 2020. Trong kỳ, Công ty sản xuất 244,301 tấn, tiêu thụ 240,072 tấn. Lượng xuất khẩu cao kỷ lục với 151,992 tấn, các thị trường chủ lực hiện nay gồm các nước châu Âu và Mỹ. Khấu trừ giá vốn, NKG đạt lãi gộp 610 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ. Biên lãi gộp tương đương 12.5%, tăng mạnh so với mức 8.6% hồi quý 1/2020.

Song song, nhờ tiết giảm chi phí lãi vay và chi phí quản lý NKG thu về gần 319 tỷ lãi ròng, cao gấp 7.7 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi kỷ lục theo quý của Công ty từ trước đến nay. Năm 2021, NKG đặt kế hoạch doanh thu 16,000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng; lần lượt tăng 38% và 200% so với năm trước. So với chỉ tiêu trên, 3 tháng đầu năm Công ty lần lượt thực hiện được hơn 30% kế hoạch doanh thu và hơn 53% kế hoạch lợi nhuận.

Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoa Sen và Thép Tiến Lên tăng vọt 

Cũng như Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen là doanh nghiệp đa ngành nghề. Mảng thép của công ty cũng chủ yếu là các loại tôn. Ngoài ra, giai đoạn từ 1/1 đến 30/3/2021 đang là giai đoạn quý 2 trong chu kỳ tài chính của Tập đoàn Hoa Sen (bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau). Doanh thu thuần quý vừa rồi đạt 10.846 tỷ đồng, tăng gần 88% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng gấp 5 lần, lên 1,035 tỷ đồng. Tổng LNST 2 quý đầu năm tài chính 2020 – 2021 đạt 1,607 tỷ đồng.

Kết quả báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021 Thép Tiến Lên đáng kinh ngạc doanh thu hợp nhất đạt 979 tỷ đồng. Công ty đã tiết giảm tối đa chi phí, cộng với đó các công ty liên doanh liên kết cũng mang về khoản lãi hơn 10 tỷ đồng (cùng kỳ chưa đến 1 tỷ đồng) dẫn tới lợi nhuận sau thuế thu về đạt 120 tỷ đồng, gấp 30 lần so với số lãi chưa đến 4 tỷ đồng đạt được quý 1/2020. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp lợi nhuận của công ty tăng so với quý liền trước. Năm 2021 Thép Tiến Lên đặt mục tiêu đạt 5,000 tỷ đồng tổng doanh thu, 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ thép các loại ở mức 400,000 tấn. Cổ phiếu TLH cũng đang là một trong những cổ phiếu HOT trên thị trường với nhiều triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. TLH cũng đã tăng gấp đôi từ đầu năm 2021 đến nay, hiện giao dịch quanh mức 15,350 đồng/cổ phiếu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.