Thực trạng nguồn cung điều và xuất khẩu điều ở nước ta
Tình hình sản xuất ngành điều Việt Nam
Diện tích trồng điều của Việt Nam đang có xu hướng giảm liên tục từ năm 2012 – 2016 và bắt đầu tăng trở lại từ năm 2017. Tuy nhiên đến năm 2019, diện tích trồng điều chững lại và giảm nhẹ so với năm 2018. Nguyên nhân là do giá điều liên tục giảm thời gian trước đó khiến cho nhiều hộ trồng điều đã chuyển đổi sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao hơn.
Năm 2019, diện tích trồng điều ước tính là 297.2 nghìn ha, giảm 3.8 ha so với năm 2018. Năng suất điều cả nước đạt bình quân 10.2 tạ/ha, tăng hơn 1 tạ so với năm 2018.
Sản lượng sản xuất điều thô của Việt Nam, 2013 – 3T/2020
Nguồn: VIRAC
3 tháng đầu năm 2020 nằm trong thời gian thu hoạch điều của Việt Nam, sản lượng điều thô sản xuất đạt 149.8 nghìn tấn. Con số này bằng hơn một nửa lượng điều thô năm 2019. Từ thời điểm này cho đến hết tháng 6, tháng 7 tiếp tục là mùa thu hoạch điều. Như vậy nếu thời tiết thuận lợi, sản lượng điều 2020 có thể sẽ đạt trên 300 nghìn tấn, vượt mức năm 2019.
Thực trạng xuất khẩu điều
Trải qua năm 2019 là kỷ lục của ngành điều Việt Nam khi đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân. Trong 3 tháng đầu năm 2020, lượng điều nhân xuất khẩu của Việt Nam đạt 101.4 nghìn tấn, tăng 25.48% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên giá trị xuất khẩu đạt 705.8 triệu USD, chỉ tăng 8.94%. Trung bình trong Q1/2020, giá điều đã giảm 13.78% so với cùng kỳ năm 2019, cả 3 tháng đều giảm rất sâu.
Nguyên nhân do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và ngành điều nói riêng. Nhu cầu tiêu thụ giảm khiến giá điều thô nội địa cũng giảm rất mạnh. Dự đoán trong năm 2020, giá điều sẽ khó cải thiện do tình trạng thiếu hụt cầu trầm trọng.
Sản lượng và giá trị xuất khẩu điều nhân của Việt Nam, 2013 – 3T/2020
Nguồn: VIRAC
Hiện đã có đến 101 nước nhập khẩu hạt điều của Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm 2020, Mỹ là nước nhập khẩu khối lượng điều nhân lớn nhất với hơn 32,4 nghìn tấn, tương đương 32% thị phần. Tuy nhiên, xu hướng tăng mạnh về lượng nhưng tăng giá chậm vẫn tiếp diễn trong Q1/2020. Thị trường Hà Lan vươn lên vị trí thứ 2 với 10.6% thị phần. Các nước EU cũng tăng lượng nhập khẩu điều nhân từ Việt Nam với hơn 63 nghìn tấn, tương đương 441.19 triệu USD.
Thị trường Trung Quốc trong Q1/2020 đã tụt xuống hạng 4 khi chỉ nhập khẩu 5,299 tấn điều nhân, tương đương 5.2% thị phần. Trong cả 3 tháng, sản lượng và giá trị đều sụt giảm mạnh, đặc biệt trong tháng 1,2 – thời điểm bùng phát dịch tại quốc gia này. Trung bình, lượng điều nhân xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 49.78%,giá trị giảm 58.34% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong quý 1 năm 2020, chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại khu công nghiệp Biên Hòa II là doanh nghiệp xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm 9.9% thị phần. Tiếp đến là CTCP Long Sơn, CTY TNHH Olam Việt Nam, CTCP Hoàng Sơn 1 với khối lượng điều xuất khẩu lần lượt chiếm 3.9%, 3.4% và 2.4% thị phần. Các doanh nghiệp là hội viên Vinacas trong Q1/2020 xuất khẩu hơn 50% thị phần điều nhân.
Cơ hội cho ngành điều sau khi EVFTA có hiệu lực
Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên hoạt động thương mại của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong Q1/2020. Tuy nhiên, về cơ bản dịch bệnh đã được khống chế thời gian gần đây, cộng thêm những Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết đã có hiệu lực, dự kiến kim ngạch xuất khẩu điều sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm nay.
Tiềm năng thị trường xuất khẩu lớn
Hai thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, EU. Ngày 8/6/2020, hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức được Quốc hội Việt Nam thông qua, mang lại cơ hội xuất khẩu hàng hóa nói chung và với sản phẩm điều nói riêng cho các doanh nghiệp.
Nhu cầu tiêu thụ điều tại thị trường châu Âu đang tăng cao trong thời gian gần đây, do những bằng chứng khoa học về hàm lượng dinh dưỡng trong hạt điều được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Thuế suất xuất khẩu bằng 0%
Theo quy định của hiệp định, thuế quan đối với sản phẩm hạt điều nhập khẩu từ Việt Nam sẽ áp dụng thuế suất 0%. Thuế suất ở mức thấp nhất này sẽ giúp cho doanh nghiệp gia tăng sản lượng xuất khẩu điều sang thị trường tiềm năng EU.
Thách thức đặt ra cho doanh nghiệp xuất khẩu điều vào EU
Một trong những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi gia nhập Hiệp định EVFTA chính là phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Quy tắc xuất xứ
EU đang áp dụng quy tắc xuất xứ thông qua Hàm lượng Giá trị trong khu vực (Regional Value content – RVC). Do đó, muốn xuất khẩu được hưởng lợi về thuế quan, sản phẩm điều của Việt Nam phải chế biến từ nguồn điều nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc từ quốc gia có FTA với EU.
Ngành điều Việt Nam từ trước đến nay vẫn còn phụ thuộc nhiều vào điều nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác, chủ yếu là từ châu Phi. Vì vậy để đạt được quy tắc xuất xứ của EU đặt ra, doanh nghiệp xuất khẩu cần xây dựng một lộ trình sản xuất tự chủ, ít phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài.
Hàng rào phi thuế quan
Mặc dù mức thuế suất áp dụng cho sản phẩm điều nhập khẩu là 0%, rào cản phi thuế quan mới chính là thách thức đối với doanh nghiệp Việt. Hiện nay các hàng rào phi thuế quan được áp dụng chủ yếu đối với hàng hóa nông sản Việt Nam bao gồm TBT (rào cản kỹ thuật thương mại) và SPS (biện pháp kiểm dịch thực vật).
TBT (Technical Barriers to Trade – Rào cản kỹ thuật trong thương mại)
Rào cản kỹ thuật là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu và/hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hoá nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó.
Đối với sản phẩm hạt điều xuất khẩu, EU đưa những quy định về dán nhãn bao bì sản phẩm, cụ thể là yêu cầu đối với những lưu ý các chất có thể gây dị ứng, ngộ độc trong hạt điều. Hàng rau củ quả nhập khẩu từ nước ngoài vào EU nói chung và hạt điều nói riêng phải tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng thị trường chung của EU.
SPS (Sanitary and Phytosanitary Measures – Biện pháp kiểm dịch thực vật)
Biện pháp kiểm dịch thực vật là những yêu cầu đối với sản phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe con người, vật nuôi…từ những tác nhân gây hại có thể có trong sản phẩm. Ủy ban châu Âu EU có những quy định chặt chẽ về nồng độ chất độc hại, lưu lượng thuốc trừ sâu trong hạt điều (Giới hạn mức tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật – MRL).
Các rào cản phi thuế quan do EU đưa ra, mặc dù trên nguyên tắc là để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, nhưng cũng chính là để bảo hộ nền sản xuất nội địa. Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu điều nhưng để tận dụng được những ưu thế về xuất khẩu điều của mình, doanh nghiệp trong nước cần chú trọng hơn nữa vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật do EU đặt ra.