Cơ hội phát triển của Ngành Dược Việt Nam

Tình hình phát triển của thị trường Dược phẩm Việt Nam 

Nhìn chung, sản xuất dược phẩm trong Q1/2020 khá khởi sắc so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng có mức tăng mạnh nhất so cùng kỳ năm 2019 là Dược phẩm khác chưa phân vào đâu đạt 4.7 triệu kg, tăng 81.17% so với cùng kỳ năm 2019; tiếp theo là nhóm Dược phẩm khác có chứa vitamin và các sản phẩm của vitamin và tiền vitamin với sản lương đạt 227.14 nghìn kg, tăng 68.35% so với Q1/2019; Dịch vụ sản xuất dược phẩm cũng tăng 3.02% so với cùng kỳ, đạt 696,577 triệu đồng. Duy chỉ có nhóm Dược phẩm chứa hoóc môn nhưng không có kháng sinh dạng viên có sản lượng giảm đạt 15,068 triệu viên, giảm 99.06% so với Q1/2019.

 

Giá trị sản xuất dược phẩm trong nước, 2013 – 2019e

Doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của nhóm ngành cũng tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2010 – 2017, song lại sụt giảm cả 2 chỉ tiêu so với với cùng kỳ lần lượt là 0.9% và 27.2%. Ước tính năm 2019 giá trị sản xuất dược phẩm trong nước đạt khoảng 3.4 tỷ USD tăng 16.1% so với năm trước. Nhìn chung, sản xuất dược phẩm trong nước liên tục tăng qua các năm với CAGR giai đoạn 2013 – 2019e đạt 14.11%.

 Giá trị thị trường ngành Dược, 2013 – 2019e 

Từ năm 2015, giá trị ngành Dược tiếp tục tăng trưởng cao, đến năm 2019 đạt 6.6 tỷ USD, trong đó chủ yếu đến từ tăng trưởng thuốc nhập khẩu. Theo số liệu thống kê từ tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết ngày 31/12/2019, Việt Nam nhập khẩu 3.07 tỷ USD dược phẩm, chưa kể gần 389.68 triệu USD nguyên phụ liệu dược phẩm

 

Những khó khăn mà ngành Dược phải đối mặt  

Công nghệ sản xuất chậm phát triển

Mặc dù quy mô thị trường Dược phẩm đã đạt đến gần 6 tỷ USD (2018) song Việt Nam vẫn chưa có Viện nghiên cứu Dược phẩm Quốc gia để có thể nghiên cứu ra sản phẩm có giá trị cao, chưa phát triển công nghệ hóa dược. Trong khi, thông thường phải mất 10-20 năm các nước phát triển mới chuyển giao công nghệ cho các nước thứ 3 sản xuất. Thực tế phần lớn cơ sở vật chất và các trang thiết bị của các cơ sở sản xuất thuốc cũng như của các cơ sở nghiên cứu để triển khai sản xuất hiện nay còn thiếu và không đồng bộ nên áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn nhiều trở ngại.

Hiện nay có 50% máy móc thiết bị để sản xuất Dược phẩm là nhập khẩu. Các Công ty chủ yếu nhập từ các nước phát triển (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản), với giá cao hơn khoảng từ 40 – 60% so với máy móc lắp ráp trong nước. Còn đối với các thiết bị từ các nước có trình độ kỹ thuật công nghệ thấp hơn như Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan thì chỉ có giá cao hơn máy trong nước khoảng từ 25 – 35%, nhưng thương hiệu, chất lượng cũng tương đối tốt. Công ty trong nước vẫn phải nhập từ các nước có kỹ thuật công nghệ trung bình này là do có những loại thiết bị trong nước chưa sản xuất hoặc đã sản xuất nhưng với số lượng không đủ nhu cầu.

Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu

Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% NPL dược phẩm để phục vụ việc sản xuất dược phẩm trong nước, còn lại 75% phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có kim ngạch xuất khẩu dược liệu vào Việt Nam lớn nhất trong nhiều năm. Việt Nam từng là nước xuất khẩu dược liệu những năm 1960-1970, nhưng đến nay thì hoàn toàn lệ thuộc vào phía Trung Quốc do các loại dược liệu của Trung Quốc có đặc điểm dễ mua và có giá thành rẻ hơn nhiều so với dược liệu trong nước.

Chất lượng nguyên phụ liệu dược phẩm nhập khẩu khó quản lý, thường đối mặt với những nguy cơ như: không đạt về độ ẩm, hàm lượng hoạt chất; nhóm dược liệu giả mạo thường được dùng là các dược liệu có hình dạng giống nhau hoặc dược liệu giả được trộn lẫn với dược liệu thật và lấy tên dược liệu thật. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc gần như hoàn toàn nguồn cung dược liệu từ nước ngoài đã làm cho doanh nghiệp mất tự chủ trong hoạt động sản xuất, thiếu tính cạnh tranh và chất lượng thuốc cũng không đạt như ý muốn. 

Hậu ảnh hưởng của Covid 19 

Đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn ra làm ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó có ngành Dược phẩm. Covid-19 được đánh giá là làm gián đoạn nguồn cung nguyên liệu của các doanh nghiệp dược phẩm nội địa.

Nguồn nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vốn dĩ chiếm hơn 80% tổng giá trị nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu, nay đang bị thiếu hụt trong ngắn hạn. Nguyên nhân do dịch bệnh diễn ra mạnh ở một số tỉnh tập trung các cơ sở sản xuất nguyên liệu dược phẩm ở Trung Quốc như Hồ Bắc, Giang Tô và Sơn Đông, khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm đóng cửa. Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ đã có những biện pháp hạn chế xuất khẩu khẩn cấp 13 loại hoạt chất thuộc nhóm giảm đau – hạ sốt và nhóm vitamin do không nhập được nguyên liệu từ Trung Quốc trong Q1/2020. Tiến độ hợp tác giữa các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam và các đối tác nước ngoài bị trì hoãn do việc di chuyển của các chuyên gia và đối tác giữa các quốc gia bị hạn chế bởi dịch bệnh Covid-19. Điều này làm cản trở tiến độ của các hoạt động hợp tác như thẩm định tiêu chuẩn sản xuất tốt (GMP) và xét duyệt quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm từ các đối tác ở châu Âu, Hàn Quốc.

 

Định hướng phát triển 

Ngành Dược đặt mục tiêu chung sẽ cung ứng đầy đủ, kịp thời, có chất lượng, giá hợp lý các loại thuốc theo cơ cấu bệnh tật tương ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Chú trọng cung ứng thuốc cho đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, vùng sâu, vùng xa. Cụ thể đến năm 2020: phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%; vắc xin sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ. 100% cơ sở kinh doanh thuốc thuộc hệ thống phân phối thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành tốt, 50% cơ sở kiểm nghiệm và 100% cơ sở kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế đạt tiêu chuẩn thực hành tốt (GPs).

Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm đặc trị

Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng chi phí Nghiên cứu và Phát triển nhằm chuyển sang phân khúc sản xuất sản phẩm đặc trị là hướng đi mới và bước tiến lớn trong công nghiệp Dược phẩm Việt Nam.

 

Xu hướng M&A

M&A nhóm sản xuất dược, 2016 – 2019

Xu hướng M&A giữa các doanh nghiệp dược trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài diễn ra mạnh mẽ cả trong lĩnh vực sản xuất lẫn phân phối. Việc thực hiện M&A góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn (như EU-GMP, PIC/S…), mà còn nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp mà còn mở rộng thị phần, tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực mới, phát triển mạng lưới phân phối…

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.