Xuất khẩu hồ tiêu: Nhìn lại 9 tháng đầu năm
Xuất khẩu hồ tiêu 9 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam giảm mạnh cả lượng và giá trị. Cụ thể, xuất khẩu hồ tiêu khởi sắc trong nửa sau quý 1 nhưng trầm lắng trở lại trong suốt quý 2 do COVID-19 tái bùng phát khiến nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới, chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Nguồn: VIRAC
Sản lượng xuất khẩu tiêu 9 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 200 nghìn tấn, giảm 5.8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tiêu đen chiếm tỷ trọng vượt trội trong cơ cấu xuất khẩu tiêu với 140 nghìn tấn, trong khi tiêu trắng và tiêu xay đều có sản lượng xuất khẩu chỉ gần 18 nghìn tấn.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy 95% hạt tiêu của Việt Nam dùng cho xuất khẩu. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 với hơn 40 nghìn tấn, chiếm 34.1% thị phần tổng giá trị xuất khẩu tiêu, theo sau là Ấn Độ, Đức và Pakistan.
Nguồn: VIRAC, MARD
Theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,134 USD/tấn, sụt giảm 16.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, sản lượng hồ tiêu thời gian tới cũng được dự báo giảm do tình hình dịch bệnh COVID 19, khiến mục tiêu xuất khẩu 280 nghìn tấn, đạt giá trị 500 triệu USD trong năm nay khó đạt được.
Năm 2020, Việt Nam có khoảng 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trong tổng số hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu. Theo số liệu năm 2018 từ VPA, 37.7% tổng sản lượng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam thuộc về các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu như Pearl Corporation, Phúc Sinh, Olam Việt Nam, Nedspice,…
Nguồn: VIRAC
Khó khăn tới từ cạnh tranh với hạt tiêu Brazil và Indonesia
Ngoài COVID-19 còn có nhiều nguyên nhân khác ảnh hưởng tới thị trường hồ tiêu Việt Nam. Điển hình, Cục Xuất nhập khẩu mới đây công bố số liệu cho thấy sự xuống hạng của hồ tiêu Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu như 5 năm trước đây hồ tiêu Việt Nam dẫn đầu về cả năng suất và chất lượng thì 2 năm trở lại đây lại có dấu hiệu lép vế trước một số quốc gia như Brazil, Ấn Độ hay Indonesia.
Hồ tiêu Việt Nam dù đã xuất hiện tại 105 nước và vùng lãnh thổ khác nhau nhưng đa số chỉ cạnh tranh ở phân khúc giá thấp. Trong khi đó, hạt tiêu Brazil hiện được đánh giá là có chất lượng vượt trội với tỉ lệ 80% sản lượng xuất khẩu đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Tháng 8 vừa qua, Ấn Độ cũng cáo buộc hồ tiêu Việt Nam không đáp ứng được tiêu chuẩn có 6% hàm lượng piperine tối thiểu, ảnh hưởng đến uy tín của mặt hàng hồ tiêu Việt Nam trên trường quốc tế. Hai nước này cũng dự báo đạt sản lượng cao trong vụ thu hoạch tiêu diễn ra từ tháng 8 đến tháng 11, gia tăng áp lực lên hồ tiêu Việt Nam.
Ngoài khó khăn do cạnh tranh, hồ tiêu Việt Nam cũng hứng chịu hậu quả từ thiên tai, bão lũ. Nếu như sức mua thị trường Âu – Mỹ giảm chủ yếu do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì tại Trung Quốc, lũ lụt là nguyên nhân chính gây sụt giảm sức mua. Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện cũng đã tạm thời đóng cửa nhiều cửa khẩu đất liền nhằm kiểm soát dịch bệnh khiến hàng hoá Việt Nam ùn ứ tại biên giới.
Những hướng đi mới cho xuất khẩu hồ tiêu Việt
“Đòn bẩy” EVFTA
Trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn thì việc Việt Nam ký kết thành công Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ là cơ hội tốt để thúc đẩy xuất khẩu tiêu sang khối này. Thực tế cũng cho thấy xuất khẩu hồ tiêu ghi nhận giảm mạnh ở hầu khắp thị trường thì lại có những tín hiệu khả quan tại khối EU.
Nguồn: VIRAC
Nếu như trước đây nhiều sản phẩm chế biến của Việt Nam phải chịu mức thuế từ 5-9% tại EU thì Hiệp định EVFTA quy định sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 09.04). Bên cạnh đó, nếu như hồ tiêu Việt Nam từng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn riêng lẻ của từng nước EU thì nay chỉ cần đáp ứng một tiêu chuẩn chung toàn khối. Đây là những đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang thị trường EU.
Cơ hội lớn là vậy nhưng để tận dụng được triệt để, Việt Nam cần phải thay đổi mạnh mẽ, có phương án dài hạn, bền vững cho một số vấn đề còn tồn đọng. Tiêu biểu như vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu, dù Uỷ ban châu Âu đã điều chỉnh yêu cầu dư lượng Metalaxyl từ 0.1ppm xuống còn 0.05ppm nhưng đến năm 2018, mới chỉ có 46% hồ tiêu Việt Nam đạt chuẩn. Hồ tiêu Việt Nam cũng từng nhận cảnh báo về nhiễm khuẩn Salmonella SPP, nấm mốc, hay rủi ro về truy xuất nguồn gốc đối với 10% sản lượng tiêu nhập khẩu.
Theo số liệu của Thông tấn xã Việt Nam, hiện tại Việt Nam mới chỉ có 14 nhà máy hồ tiêu đạt tiêu chuẩn quốc tế ESA và ASTA. Để vượt qua được hàng rào kỹ thuật khắt khe tại thị trường EU, doanh nghiệp và nông dân cần chung tay phát triển, mở rộng diện tích các đồn điền tiêu hữu cơ nhằm đảm bảo hạt tiêu Việt Nam đủ sức cạnh tranh chất lượng với Brazil và Indonesia.
Phát triển tiềm năng tiêu chế biến
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng khuyến nghị các doanh nghiệp hồ tiêu thúc đẩy tiêu dùng hồ tiêu chế biến tại thị trường nội địa. Số liệu năm 2020 của Hiệp hội cho thấy dù Việt Nam là nước có sản lượng hồ tiêu hàng đầu thế giới nhưng sản lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước lại chỉ chiếm 5%. Như vậy, thị trường trong nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, đặc biệt với các sản phẩm tiêu chế biến.
Việt Nam hiện có nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ sáng tạo và độc đáo vào chế biến giúp tăng giá trị hồ tiêu lên gấp nhiều lần. Tiêu biểu có thể kể đến sản Phúc Sinh Group với sản phẩm tiêu sấy lạnh K PEPPER với đặc tính giữ được màu tươi xanh nhưng vẫn đạt vị cay nồng như tiêu già. Theo báo cáo của đơn vị sản xuất, K PEPPER đạt mức giá từ 14 đến 18 USD/kg tại thị trường nước ngoài, tức đã nâng giá trị hồ tiêu lên gấp 6, 7 lần so với xuất thô. Sau 1 năm tấn công các thị trường như Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, sản phẩm này hiện đã được Phúc Sinh đưa về thị trường nội địa với giá bán lẻ 66.000 đồng/lọ 90g.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhiều sản phẩm tiêu chế biến đặc sắc, giàu tiềm năng khác như tiêu không hạt, tiêu nghiền bột, tiêu đỏ ngâm nước muối, tiêu một nắng, tiêu sữa,,… Rào cản để phát triển các sản phẩm này là cơ cấu sản xuất thiếu hợp lý, dẫn đến tình trạng nhiều mặt hàng giá trị gia tăng cao chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng sản lượng. Để phát triển lâu dài, các doanh nghiệp hồ tiêu cần quy hoạch lại vùng sản xuất, đồng thời tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình canh tác và chế biến để cho ra sản phẩm mới chất lượng.
Khôi phục thị trường xuất khẩu hồ tiêu hậu COVID-19
Hiệp hội cũng khuyến khích doanh nghiệp khôi phục xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực Đông Á đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hiện đã mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục giao thông với quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam triển khai hợp tác kinh doanh và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được lưu thông thuận lợi hơn về thủ tục.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định Việt Nam có thể kỳ vọng tình hình kinh tế quý 3 khả quan hơn quý 2 nhờ sự phục hồi của thị trường Đông Á. Bên cạnh đó, các thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông cũng cần được tiếp cận dù còn nhiều bất cập như giá thành bán sản phẩm thấp, thanh toán khó khăn.