COLAVI trúng thầu trăm tỷ nhờ công nghệ băng tải tiên tiến

Công ty CP cơ khí và lắp máy Việt Nam (COLAVI JSC) thành lập năm 2003, tiền thân là Công ty CP cơ khí Yên Thọ, hoạt động chủ yếu trong ngành gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại.

COLAVI chuyên thực hiện các dự án EPC, EP, PC, BOO thuộc lĩnh vực công nghệ tuyển quặng, vận chuyển khoáng sản bằng băng tải, đồng thời chế tạo kết cấu thép phi tiêu chuẩn, lắp máy đáp ứng nhu cầu dân dụng và các ngành công nghiệp nặng như sản xuất điện, xi măng, vật liệu xây dựng, luyện thép, cán thép,…

Nguồn: VIRAC tổng hợp

Trải qua 17 năm phát triển, công ty đảm nhiệm thiết kế và thi công nhiều tuyến tải vận chuyển khoáng sản phục vụ các nhà máy nhiệt điện phía Bắc, phần lớn hoạt động tại tỉnh Quảng Ninh. Một số đối tác chính của doanh nghiệp là Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam Vinacomin, Tập đoàn Hoa Sen Group và Tổng công ty thép Việt Nam VNSteel.

Đánh giá kết quả hoạt động tài chính của công ty

Doanh thu trong giai đoạn 2016 – 2019 chứng kiến biến động rõ rệt, cụ thể năm 2017 doanh thu thuần của công ty đạt đỉnh 1,118 tỷ, rồi lại giảm mạnh hơn 34% cuối kỳ năm 2018, kéo chỉ số tăng trưởng của doanh nghiệp đi xuống. Đến năm 2019 số doanh thu chững lại xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên nguồn lợi nhuận tăng trưởng đã mang lại tình hình khả quan hơn cho doanh nghiệp.

Năm 2017 cũng là năm COLAVI nắm khối lượng tài sản lớn nhất, tuy nhiên vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 43% trong tổng nguồn vốn của công ty. Còn lại doanh nghiệp phải gánh khoản nợ gần nghìn tỷ đồng, phần lớn đến từ nguồn vay tài chính ngắn hạn.

Nguồn: VIRAC

Trải qua giai đoạn suy giảm trước đó, năm 2019 công ty chứng kiến dòng lợi nhuận đi lên, lợi nhuận ròng đạt ngưỡng 131 tỷ đồng, tăng 296% so với cùng kỳ 2018. Tổng doanh thu năm 2019 chỉ giảm nhẹ so với năm ngoái, nâng chỉ số tăng trưởng lên 30%, cùng với đó tỷ suất ROA và ROE đồng thời ở ngưỡng 2 con số, trong khoảng 12 – 15%.

Nguồn: VIRAC

Nguồn: VIRAC

Tổng vốn đầu tư năm 2019 đạt 1,123 tỷ đồng, chiếm 75% là vốn góp của chủ sở hữu, còn lại phần nợ phải trả là 280 tỷ, giảm mạnh so với cùng kỳ cuối năm 2018. Đáng nói, năm 2019 tuy COLAVI nắm giữ khối lượng tài sản thấp nhưng bù lại sở hữu nguồn vốn chủ sở hữu cao đạt đỉnh so với giai đoạn trước, cùng với lợi nhuận tăng mạnh đã dần củng cố bước đi chắc chắn của doanh nghiệp trên thị trường.

Cũng trong năm này, liên doanh COLAVI – VIMCC – VMC trúng gói thầu trị giá 368 tỷ đồng trong Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sàng – tuyển than Khe Chàm của Vinacomin, trong đó doanh nghiệp cơ khí và lắp máy Việt Nam đảm nhận 74% giá trị khối lượng công việc của gói thầu.

Vinacomin liên tục rót vốn trăm tỷ vào công nghệ băng tải vận chuyển của COLAVI

Trong 4 năm trở lại đây, COLAVI đã thu về 6 gói thầu trị giá 292 tỷ đồng từ công ty Kho vận Đá Bạc – Vinacomin, thuộc chi nhánh tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam.

Cụ thể đầu tháng 3 năm nay, doanh nghiệp COLAVI trúng gói thầu EPC trị giá 93 tỷ đồng của dự án thiết kế, thi công xây dựng, cung cấp thiết bị đổi mới dây chuyền công nghệ tại cảng Điền Công (Quảng Ninh). Gói thầu được thực hiện trong 120 ngày với mức giá trúng giảm 381 triệu đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0.4%.

Trước đó, tập đoàn TKV liên tiếp rót vốn vào COLAVI trong các dự án hiện đại hóa kho bãi tiêu thụ cảng Điền Công. Tháng 12/2016, với tư cách thành viên liên danh, COLAVI được lựa chọn là nhà thầu trúng gói thầu số 11 thuộc Dự án đường điện 35kV Uông Bí – cảng Điền Công, với giá trúng thầu 48.68 tỷ đồng. Cũng trong tháng này, COLAVI trúng gói thầu thi công kho than kín Khe Ngát thuộc giai đoạn một của Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống vận chuyển than từ kho than Khe Ngát ra cảng Điền Công, với giá trúng thầu 43.29 tỷ đồng.

Đến đầu năm 2017, COLAVI tiếp tục góp mặt trong Dự án mở rộng, hiện đại hóa cảng Điền Công với gói thầu EPC trị giá hơn 63 tỷ đồng, cụ thể công ty phụ trách thi công, xây dựng và lắp đặt thiết bị cho tuyến băng tải 4001 và 4002. Các tuyến băng tải của COLAVI được thiết kế theo tiêu chuẩn máng uốn lượn 3D, phù hợp lắp đặt ở những địa hình phức tạp và đem lại năng suất vận chuyển lớn.

Nguyên vật liệu khan hiếm bởi dịch COVID khiến nhiều doanh nghiệp cơ khí lao đao

Theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, ngành cơ khí hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 32% so với nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, trong đó phần lớn nguyên vật liệu phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, cạnh tranh với các tập đoàn FDI trở nên khó khăn hơn khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước chủ yếu thực hiện gia công cơ khí, hoạt động sản xuất chỉ chạm đến những phân khúc thấp của ngành công nghiệp.

Theo dự đoán, thị trường cơ khí Việt Nam giai đoạn 2019-2030 có thể đạt 310 tỷ USD, trong đó các công trình công nghiệp chiếm 1/3 sản lượng, đồng nghĩa với việc sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành này sẽ có cơ hội phát triển mạnh. Tuy nhiên thực tế cho thấy, năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu kém, những nguyên phụ liệu như sắt thép và hợp kim màu chưa được sản xuất nội địa mà phải nhập khẩu từ nước bạn. 9 tháng đầu năm 2020, tỷ trọng nhập khẩu sắt giảm 4% về lượng, giảm 15.9% về kim ngạch, phần lớn do các thị trường cung cấp chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Nguồn cung vật liệu khan hiếm, các hoạt động gia công cơ khí nội địa cũng vì vậy mà hạn chế theo.

Cơ hội phát triển của COLAVI

Chuyển hướng “xanh hóa” công nghiệp khai thác

Trước xu hướng giảm chung của thị trường, ngành công nghiệp than vẫn đón nhận những dấu hiệu tích cực, cụ thể tập đoàn khai thác than – khoáng sản TKV giữ vững tốc độ tăng trưởng cao và ổn định thời gian gần đây. Trong tám tháng năm 2020, các đơn vị thuộc TKV sản xuất ước đạt 28 triệu tấn than nguyên khai, thu nhập bình quân người lao động 1 tháng đạt 12.7 triệu đồng.

Bên cạnh sự phát triển về lượng, Việt Nam cũng nỗ lực triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng. Đối tác vàng của COLAVI là tập đoàn TKV mỗi năm dành gần 1,000 tỷ đồng cho chi phí bảo vệ môi trường, trong đó tập đoàn đã thay thế phương pháp vận chuyển bằng ô tô bằng hàng loạt các dự án băng tải và đường sắt chuyên dụng. Công ty cổ phần cơ khí và lắp máy Việt Nam sẽ nắm ưu thế khi xu hướng này khởi sắc, đặc biệt khi doanh nghiệp đang làm chủ công nghệ băng tải vận chuyển vật liệu – phương pháp được tín dụng hiện nay bởi đem lại hiệu quả kinh tế cao và giảm thiểu khí thải môi trường.

COLAVI đầu tư xây dựng nhà máy điện khí LNG đầu tiên ở miền Bắc

Trong gần mười năm qua, sản lượng điện sản xuất trong nước đã tăng hơn 2.3 lần, từ 101.4 tỷ kWh vào năm 2010 lên gần 235 tỷ kWh vào năm 2019, dự đoán đến năm 2045, sản lượng điện của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh với tốc độ trung bình là 5.6% mỗi năm. Trong đó, các nguồn nhiên liệu hóa thạch (than và khí đốt) chiếm tỷ trọng lớn, gây áp lực nghiêm trọng lên nguồn tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Để cải thiện những ảnh hưởng xấu từ khai thác than đá, phát triển năng lượng tái tạo trong nước luôn được chính phủ ưu tiên hoạt động mạnh mẽ.

Dự án nhà máy điện khí LNG liên doanh với Nhật Bản ký kết hồi tháng 10 năm nay chính là điểm sáng trong phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cụ thể 4 nhà đầu tư COLAVI, PV Powers, Tập đoàn Tokyo Gas và Tập đoàn Marubeni thực sự tạo thành một tổ hợp nhà đầu tư mạnh, chuyên nghiệp, hoàn toàn có thể tổ chức triển khai dự án. Đây là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của Miền Bắc, có công suất dự kiến là 1,500MW, được đặt tại phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cũng cân nhắc góp vốn để giảm áp lực cho các bên tham gia. Có thể nói, cơ hội chuyển giao công nghệ với các tập đoàn toàn cầu sẽ trực tiếp thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước tiến tới chuẩn mực quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam với các nước khác trong khu vực.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.