Doanh số VinFast “thăng hoa” 9 tháng đầu năm 2020
Chỉ sau 3 năm ra mắt, thương hiệu xe Việt VinFast đã có những bước tiến rực rỡ trong thị trường ô tô nội địa. Năm 2019, VinFast khánh thành nhà máy sản xuất ô tô độc quyền, đánh dấu bước ngoặt làm chủ sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu của công nghiệp ô tô trong nước, đây là nhà máy đầu tiên của Việt Nam có chu trình sản xuất tự động hóa cao hàng đầu quốc tế.
Cũng trong thời gian này, thị trường ô tô nội địa tăng trưởng mạnh mẽ, doanh số bán xe toàn quốc năm 2019 đạt kỷ lục 401,890 xe, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do sức mua người dân giảm mạnh khi dịch Covid – 19 bùng phát, đầu năm 2020 tổng doanh số bán xe lao dốc không phanh. Theo báo cáo của hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Việt Nam (VAMA), tính đến tháng 9 năm nay mới chỉ tiêu thụ hơn 179,000 xe, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: VIRAC, VinFast
Doanh số bán xe VinFast vẫn tăng trưởng ổn định trước xu hướng giảm chung của thị trường. Trong ba tháng 5, 6, 7, VinFast Fadil có lượng tiêu thụ vượt trội, cao hơn cả hai mẫu xe Hàn Hyundai i10 và Kia Morning. Tháng 7 là lần thứ ba liên tiếp mẫu hatchback thương hiệu Việt lọt top 10 xe bán chạy nhất thị trường, Fadil bán được 1,577 xe, nhỉnh hơn Hyundai i10 290 xe, theo sau là Kia Morning 581 xe và Toyota Wigo 267 xe. Trung bình cả ba tháng ô tô VinFast vẫn xuất xưởng đều đặn, trong đó dòng Fadil chiếm gần 70% tổng lượng xe tiêu thụ.
(VinFast công bố doanh số từ tháng 5 năm 2020)
Nguồn: VIRAC, VAMA, VinFast
Đến tháng 8 khi làn sóng dịch COVID nổi lên lần thứ 2, doanh số của hãng bất ngờ giảm mạnh xuống còn 1,494 chiếc, trong đó xe Fadil bán được 849 chiếc, ít hơn 700 chiếc so với tháng trước. Mẫu xe giá rẻ này cũng mất vị trí bán chạy nhất phân khúc liên tục 3 tháng liền vào tay Hyundai Grand i10 và tụt xuống vị trí thứ 9 trong danh sách top 10 xe bán chạy nhất thị trường tháng 8.
Tuy nhiên, tháng 9 ngay sau đó VinFast đã lội dòng ngoạn mục với doanh số kỷ lục 3,626 ô tô bán ra thị trường, trong đó có 1,515 xe Fadil, 804 xe Lux A2.0 và 1,307 xe Lux SA2.0. Đây là số lượng xe bán ra trong một tháng cao nhất từ trước đến nay của VinFast và sẽ tiếp tục tăng trưởng vững mạnh trong thời gian tới. Bằng hàng loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn, hãng xe thành công đưa VinFast Fadil trở lại dẫn đầu bảng xe phân khúc hạng A. Dòng Fadil đã xuất sắc chiếm vị trí thứ 4 trong top 10 xe bán chạy nhất tháng 9, chỉ đứng sau hai ông lớn Hyundai và Toyota.
Nguồn: VIRAC
Bên cạnh đó, Lux A2.0 và Lux SA2.0 đứng đầu bảng xếp hạng phân khúc xe của mình nhờ các chính sách kích cầu đặc biệt dành cho mẫu xe số VIN2019. Dòng VinFast Lux A2.0 vẫn giữ vững phong độ dẫn đầu phân khúc sedan cao cấp tại Việt Nam năm 2020, cụ thể tháng 9 tăng trưởng ấn tượng hơn 500 xe so với doanh số tháng trước (337 xe). Phân khúc SUV trị giá tỷ đồng cũng gọi tên nhà vô địch VinFast Lux SA2.0 trong cuộc đua với Toyota Fortuner, Hyundai SantaFe và Ford Everest với 1,037 xe được bán ra. Doanh số kỷ lục này đã khẳng định vị thế xe SUV hạng sang được ưa chuộng nhất Việt Nam của Lux SA2.0, đồng thời là một trong những mẫu SUV mid-size bán chạy nhất thị trường.
Nguồn: VIRAC
Thiếu hụt nguồn cung nhập khẩu giúp VinFast tăng tốc so với các đối thủ
Khác với nhiều đối thủ phải phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ xe nguyên chiếc cho đến linh kiện, VinFast có khả năng tự sản xuất các bộ phận chính cấu thành ô tô như động cơ, hệ thống khung gầm, vỏ, chủ động xây dựng công nghệ sản xuất cốt lõi của ngành công nghiệp ô tô. Tổ hợp nhà máy ô tô VinFast bao gồm mọi công đoạn đầy đủ để tạo ra một chiếc xe hơi hoàn chỉnh, từ dập hàn thân vỏ cho tới sản xuất động cơ. VinFast đã ưu ái dành hơn 30% diện tích của nhà máy để xây dựng mạng lưới công nghiệp phụ trợ và sẽ tiếp tục đầu tư thêm một tổ hợp công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, nhằm phục vụ các dự án lắp ráp ô tô trong nước và xuất khẩu thời gian tới.
Ngược lại, phần lớn doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam vẫn còn dừng lại ở mức gia công, lắp ráp xe dựa trên các giá trị có sẵn, dẫn đến hơn 80% linh, phụ kiện ô tô phải nhập khẩu. Hầu hết công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chịu phân công sản xuất từ các tập đoàn ô tô toàn cầu, chỉ có một số ít doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất chủ yếu các vật liệu có hàm lượng công nghệ thấp như ghế ngồi, bộ dây điện.
Đầu năm 2020, dịch COVID bùng phát trên toàn thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đến nguồn cung linh kiện phục vụ cho lắp ráp và sản xuất xe trong nước. Hàn Quốc và Trung Quốc là 2 thị trường chính Việt Nam tiêu thụ linh kiện, cũng là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi dịch bệnh mất kiểm soát. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu đã giảm 17.3% so với cùng kỳ năm 2019. Hàn Quốc vẫn là thị trường chủ yếu với giá trị nhập khẩu đạt ngưỡng 421.04 triệu USD, chiếm 26.1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, giảm 24.1% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, Trung Quốc chiếm 17.5%, tổng kim ngạch 6 tháng đầu đạt 282.44 triệu USD, giảm 18.5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: VIRAC
Các doanh nghiệp sản xuất xe hơi thường không tích trữ linh kiện, phụ tùng ô tô ngoài lượng yêu cầu để tránh chi phí phát sinh kho bãi, bởi vậy khi nguồn cung bị gián đoạn trong thời gian dài sẽ gây khó khăn cho các nhà máy duy trì hoạt động bình thường. Khi dịch bệnh mất kiểm soát ở các quốc gia Châu Á, nhiều nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng nước ngoài phải đóng cửa, cầm chừng sản xuất dẫn đến thiếu hụt nguồn cung ứng phục vụ sản xuất xe nội địa. Bên cạnh đó, các hoạt động lắp ráp, sản xuất trong nước cũng không tránh khỏi trì hoãn khi cửa khẩu thắt chặt khâu kiểm tra, vận chuyển linh kiện. Thiếu thốn nguyên phụ liệu, linh kiện lắp ráp nặng nề dẫn đến sản lượng đầu ra không đáp ứng được nhu cầu thị trường, nhiều nhà sản xuất ô tô buộc phải tạm dừng một phần hoạt động và các kế hoạch phát triển.
Dự án sản xuất, lắp ráp ô tô VinFast tại Hải Phòng được Cục Công Nghiệp nhận định là điểm sáng duy nhất trong năm nay bởi không nhập khẩu linh, phụ kiện trực tiếp từ Trung Quốc. Trước doanh số bán hàng khả quan của hãng xe đầu năm 2020, nhà máy VinFast đang nỗ lực để gia tăng sản lượng sản xuất nhằm cung cấp ra thị trường, nhất là vào dịp cuối năm khi sức mua được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Bàn đạp để VinFast phát triển
Với lợi thế là nhà máy ô tô duy nhất tại Việt Nam làm chủ được các công đoạn cốt lõi, chuỗi cung ứng của VinFast không bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự gián đoạn từ các thị trường trọng điểm dịch bệnh. Ngược lại, đây là cơ hội để VinFast chứng minh vị thế của một nhà sản xuất ô tô độc lập khi cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.
Đầu năm 2020, những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa của chính phủ được cho rằng sẽ tạo bước đệm mạnh mẽ cho quá trình phát triển vươn tầm quốc tế của thương hiệu VinFast. Cụ thể, đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được dùng cho sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ được giảm còn 0% phí nhập khẩu. Ngoài việc giảm phí trước bạ 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, chính phủ còn cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3/2020. Nhờ những ưu đãi trên, các nhà sản xuất ô tô nội địa phần nào giảm thiểu chi phí lắp ráp và giá thành xe, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh tự do hóa thương mại hiện nay.
Bên cạnh đó, đề xuất miễn thuế độc quyền cho VinFast sẽ mở đường cho doanh nghiệp phát triển trên thị trường quốc tế. Cụ thể, những linh kiện nhập khẩu để sản xuất 200 chiếc xe ô tô của VinFast và 100 cụm linh kiện xuất khẩu ra nước ngoài phục vụ hoạt động kiểm nghiệm, thử nghiệm được miễn thuế nhập và xuất. Đặc biệt khi VinFast đặt mục tiêu xuất khẩu xe sang Mỹ năm 2021 sắp tới, nghị định tạo cơ hội cho ô tô Việt tham gia cạnh tranh với các thị trường quốc tế tiềm năng, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước nâng cao sản xuất, mở rộng xuất khẩu. Đây hứa hẹn sẽ là cột mốc quan trọng đẩy mạnh giá trị thương mại của toàn ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam trong thời gian tới.