Triển vọng phục hồi xuất khẩu điều Việt Nam

Tình hình xuất khẩu 9 tháng đầu năm với nhiều dấu hiệu tích cực trở lại

Trải qua năm 2019 với kỷ lục ngành Điều Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân, 9 tháng năm 2020, xuất khẩu hạt điều đạt 375,000 tấn, trị giá 2.3 tỷ USD, tăng 12.9% về lượng nhưng giảm 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính riêng tháng 9/2020, xuất khẩu hạt điều ước đạt 50 nghìn tấn, trị giá 298 triệu USD, tăng 7.5% về lượng và tăng 9.8% về trị giá so với tháng 8/2020 trước đó.

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, trong tháng 10/2020, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 50 nghìn tấn với giá trị 297 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt 10 tháng đầu năm 2020 đạt 415 nghìn tấn và 2.61 tỷ USD, tăng 11.5% về khối lượng nhưng giảm 3.4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Giá trị xuất khẩu điều tăng mạnh nhất tại thị trường Trung Quốc tăng 38.25%, ngược lại thị trường có giá trị xuất khẩu điều giảm mạnh nhất là Nga giảm 38.8%. Giá hạt điều WW320 xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2020 đạt 3.33 USD/tấn, giảm 14.3% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguồn: VIRAC, Vinacas

Điểm qua các thị trường xuất khẩu điều trọng điểm của Việt Nam 

Hiện đã có đến 101 nước nhập khẩu hạt Điều của Việt Nam. Theo hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, chiếm thị phần lần lượt là 33.5%, 13% và 12.7% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Chỉ có Trung Quốc tiêu thụ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, còn lại Mỹ và thị trường châu Âu duy trì ở mức khả quan hơn.

Nguồn: VIRAC, Vinacas

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Mỹ là nước nhập khẩu khối lượng điều nhân lớn nhất với 113,616 tấn, tương đương 729 triệu USD, chiếm khoảng 30% thị phần. Thị thường có xu hướng phục hồi về lượng, tuy nhiên, tăng giá chậm vẫn tiếp diễn trong 3 quý đầu năm 2020, giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng xuất khẩu sang Mỹ tăng 13.4% trong khi kim ngạch chỉ tăng chưa tới 1%. 

Nguồn: VIRAC, Vinacas

Tiếp đến thị trường Hà Lan đạt 46,120 tấn, tương đương gần 300 triệu USD, chiếm khoảng 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước. Tính đến tháng 9/2020, thị trường Trung Quốc vươn lên hạng 2 với sản lượng nhập khẩu 37,073 tấn điều nhân, tương đương 10% thị phần. Trong 9 tháng, sản lượng và giá trị đều sụt giảm mạnh, đặc biệt trong tháng 1 và tháng 2 – thời điểm bùng phát dịch tại quốc gia này. Trung bình, lượng điều nhân xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 17%, giá trị giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguồn: VIRAC, Vinacas

Trong tháng 9 năm 2020, chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại khu công nghiệp Biên Hòa II là doanh nghiệp xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam với tổng sản lượng trên 3.3 nghìn tấn, chiếm 6.2% thị phần. Tiếp đến là CT CP Long Sơn, CT TNHH Olam Việt Nam, CTCP Hoàng Sơn 1 với khối lượng điều xuất khẩu lần lượt đạt gần 2.1 nghìn tấn (chiếm 3.95%), 1.9 nghìn tấn (chiếm 3.63%) và 1.4 nghìn tấn (chiếm 2.67%). 

Các doanh nghiệp là hội viên Vinacas xuất khẩu 23,400 tấn điều nhân trong tháng 9/2020, chiếm hơn 44% thị phần.

Nguồn: VIRAC, Vinacas

Xuất khẩu nhân điều dự kiến hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong năm 2020

Về sản lượng

Ngành điều chịu ảnh hưởng mạnh do sản xuất trong nước gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở tỉnh Bình Phước, Đồng Nai đã đóng cửa do chưa cân đối được cung, cầu. Nhu cầu của Trung Quốc cũng đang tăng nhưng lượng chào bán ít do phía các nhà nhập khẩu có yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, trong khi nguồn hàng phù hợp với tiêu chuẩn tại Việt Nam không còn nhiều. 

Với thị trường điều nhân nội địa giá tăng liên tục, cao hơn cả giá FOB. Xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2020 sẽ vẫn tiếp tục tăng, do nhu cầu phục vụ các dịp lễ đợt cuối năm của các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Ấn Độ, EU và Trung Quốc.

Nhu cầu tăng cao theo yếu tố mùa vụ từ các thị trường xuất khẩu chính như: Mỹ, EU, Ấn Độ, Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá hạt điều dự kiến sẽ tăng do nguồn cung hạn chế do nhiều cơ sở chế biến hạt điều vừa và nhỏ ở Việt Nam và Ấn Độ giảm công suất khiến nguồn cung giảm.

Giá xuất khẩu sau tác động của Covid

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến ngành điều Việt Nam trong thời gian vừa qua. Giá điều nhân liên tục giảm khiến doanh nghiệp chế biến điều của Việt Nam bị ảnh hưởng khi dự trữ nguyên liệu với giá cao nhưng giá xuất khẩu tương đối thấp. 

Doanh nghiệp Việt thường dự trữ điều thô từ cuối năm trước để phục vụ chế biến xuất khẩu cho năm sau. Đầu năm 2020 giá điều thô giảm xuống còn 1,000 USD/tấn, kéo giá điều nhân giảm theo khiến cho doanh nghiệp chịu lỗ, buộc phải sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm ngừng hoạt động. Giá xuất khẩu bình quân trong tháng 9/2020 ước đạt 5,960 USD/tấn, tăng 2,1% so với tháng 8/2020 nhưng giảm 13.5% so với tháng 9/2019. Tính chung 9 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân hạt điều ước đạt 6.332 USD/tấn, giảm 13.2% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguồn: Vinacas

Đối với thị trường điều nhân, trong hai tuần cuối của tháng 9 các giao dịch đã sôi động hơn. Giá điều nhân đang giao động ở mức 6,128 đến 7,054 USD/tấn đối với mã W320 FOB. Xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2020 sẽ vẫn tiếp tục tăng, do nhu cầu phục vụ các dịp lễ tết cuối năm của các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Ấn Độ, EU và Trung Quốc.

Giá điều nhân dự báo cũng sẽ tăng nhẹ do nguồn cung hạn hẹp trên thị trường vì trong thời gian qua nhiều cơ sở chế biến quy mô nhỏ và vừa ở cả Việt Nam và Ấn Độ giảm công suất, tác động đến lượng hàng cung ứng ra thị trường giảm. Cụ thể, mục tiêu xuất khẩu 450,000 tấn, trị giá 3.2 tỷ USD được ngành điều Việt Nam đặt ra trong năm 2020 có khả năng sẽ cán đích. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo xuất khẩu hạt điều sẽ tăng trong những tháng còn lại của năm nay.

Những tín hiệu khởi sắc 

Thị trường CPTPP có lợi thế là hàng hóa sản xuất từ các nước tham gia không cùng loại nên thị trường tiêu thụ trong khối không bị cạnh tranh. Việt Nam được hưởng lợi so với các nước cùng tham gia CPTPP khi lộ trình giảm thuế quan cho hàng hóa Việt Nam nhanh và nhiều hơn. Mặt hàng hạt điều của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% vào các nước trong CPTPP ngay khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, các nước như: Nhật Bản, Canada, Peru, Mexico còn có những cam kết giảm thuế hàng loạt mặt hàng cho nước ta sớm hơn. 

Việc EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 càng tạo điều kiện cho ngành hàng này xâm nhập nhiều hơn vào thị trường EU. Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội gia tăng quy mô xuất khẩu hạt điều – mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hiện, nhiều doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng tâm thế để mở rộng xuất khẩu vào thị trường này, ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu tư công nghệ bài bản, chất lượng cao.

Bên cạnh đó, triển vọng tiêu thụ Điều trong tương lai trong dài hạn sẽ còn tiếp tục tăng bởi lợi ích về sức khoẻ của mặt hàng này, là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển ngành sản xuất và chế biến nhân điều. Trong những năm qua, nhân Điều và các mặt hàng chế biến từ hạt Điều cũng được nhiều doanh nghiệp tổ chức sản xuất để xuất khẩu và cung ứng trên thị trường nội địa. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn đang tích cực nghiên cứu đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới có sử dụng nguyên liệu là nhân Điều. Đây cũng là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng trong xuất khẩu Điều của Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.