Tình hình sản xuất và tiêu thụ gạo trên thị trường
Hoạt động sản xuất gạo
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vựa lúa lớn nhất của cả nước với diện tích gần 4 triệu ha tính đến năm 2019, hàng năm sản xuất trên 50% tổng sản lượng lúa quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như đáp ứng trên 90% lượng gạo xuất khẩu.
Nguồn: VIRAC, USDA
Ưu điểm của Việt Nam là sở hữu nhiều giống gạo ngon: gạo hương lài, Bắc Hương, nàng xuân, Điện Biên, tám thơm. Ngoài ra, chất lượng gạo của Việt Nam cũng nằm trong top đầu thế giới hiện nay với tỷ lệ dinh dưỡng rất cao. Dự tính trong niên vụ 2019/20, sản lượng gạo đã xay xát của Việt Nam sẽ tăng 2%, đạt mức hơn 28.000 nghìn tấn,nguyên nhân phần nhiều là do năng suất vụ xuân và vụ thu tăng.
Tiêu thụ gạo
Gạo luôn là loại lương thực được tiêu thụ chính của Việt Nam. Việt Nam xếp thứ 5 trong top các nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới. Gạo Việt nam đứng chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh tính đến niên vụ 2018/19. Hiện nay, lượng gạo tiêu của Việt Nam cũng như các nước châu Á khác vẫn ở mức ổn định.
Nguồn: VIRAC
Hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản bị sụt giảm mạnh về xuất khẩu trong quý 2 vừa qua, ngành gạo lại đánh dấu bước tiến đáng kể. Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, gạo là mặt hàng có giá trị tăng trưởng cao nhất trong các sản phẩm nông nghiệp, đạt 1.6 tỷ USD, tăng 18.2%, giữa lúc tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng tháng 6/2020, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ước tính đạt hơn 400,000 tấn với giá trị đạt 207 triệu USD. Tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3.5 triệu tấn và 1.71 tỷ USD, tăng 4.4% về khối lượng và tăng gần 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Nguồn: VIRAC
Hiện nay, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 1.3 triệu tấn và gần 600 triệu USD, tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Thêm vào đó, xuất khẩu gạo cũng ghi nhận sự tăng trưởng lớn tại một số thị trường như: Senegal tăng gấp 18.3 lần; Indonesia gấp 2.9 lần; Trung Quốc gấp 2.3 lần… Về chủng loại, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 38% tổng kim ngạch, gạo nếp chiếm 19.6%; gạo Japonica và gạo giống Nhật 4.2%.
Nguồn: VIRAC
Khó khăn của việc xuất gạo Việt Nam ra thị trường quốc tế
Phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu có lợi thế về địa lý. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tạo ra 2 rào cản rất lớn cho sản phẩm gạo Việt Nam, đó là chính sách nhập khẩu và yếu tố kỹ thuật mà nước này đặt ra. Đối với yếu tố kỹ thuật đó là vấn đề về chất lượng sản phẩm, hàng hoá của Trung Quốc xuất bán vào Việt Nam thì chất lượng rất yếu kém. Tuy nhiên, hàng hóa của Việt Nam bán vào Trung Quốc luôn đòi hỏi chất lượng rất cao.
Giống lúa
Xuất khẩu gạo vào Trung Quốc chủ yếu là gạo nếp và ngược lại, sản lượng gạo nếp Việt Nam hơn 90% xuất sang thị trường Trung Quốc. Do đó, nếu gặp khó khăn trong việc đưa gạo sang thị trường Trung Quốc, hàng hóa bị ứ đọng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và các hộ trồng lúa.
Sản lượng lúa gạo nhóm chất lượng trung bình hiện không còn nhiều
Trong khi những hợp đồng xuất khẩu lớn từ đầu năm đến nay chủ yếu vẫn là phẩm cấp trung bình, xuất khẩu chủ yếu sang Châu Á và Châu Phi. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu mua chủng loại gạo này để phục vụ cho những hợp đồng xuất khẩu.
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam chưa có liên kết, hợp tác với nhau để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Do đó, mối liên hệ giữa các doanh nghiệp chủ yếu ở việc xuất khẩu ủy thác hoặc cung ứng lúa gạo để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.
Dự báo triển vọng phát triển ngành gạo Việt Nam
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, ngành gạo đặt mục tiêu xuất khẩu 6.7 triệu tấn trong năm 2020. Tuy nhiên, con số này có thể lên 8 triệu tấn, với mức giá xuất khẩu trung bình 480 USD/tấn, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2020 của Việt Nam có thể đạt 3.9 tỷ USD.
Với cam kết trong EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80,000 tấn gạo/năm (gồm 30,000 tấn gạo xay xát, 20,000 tấn gạo chưa xay xát và 30,000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100,000 tấn gạo vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm.