Thị trường văn phòng TP.HCM
Tổng nguồn cung thị trường văn phòng đến hết năm 2019 đạt 1,232 nghìn m2, tăng 5.5% so với năm 2018. Do nguồn cung dồi dào, tỷ lệ trống của thị trường này tăng nhẹ lên mức 5.2%. Tuy nhiên thị trường vẫn rất sôi động với mức hấp thụ cao.
Nguồn: VIRAC, VNREA
Nhu cầu thuê văn phòng liên tục ghi nhận những điểm tích cực, đặc biệt là sau chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Cuộc chiến thương mại này đã thúc đẩy các công ty sản xuất và logistics nước ngoài tìm kiếm mặt bằng văn phòng để dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Trong năm 2019, thị trường văn phòng tại TP. HCM đón nhận nguồn cung mới được chính thức đưa vào hoạt động, chủ yếu vẫn tới từ văn phòng hạng B. Mặc dù nguồn cung lớn, tuy nhiên do thuê văn phòng hạng B tại thành phố này đều nằm tại vị trí tốt, đáp ứng được nhu cầu thuê nên đã đẩy mức giá cho thuê tăng mạnh tại TP. Hồ Chí Minh.
Tính đến hết năm 2019, nguồn cung văn phòng hạng A đạt 260,500 m2 và chỉ tập trung ở trung tâm TP.HCM với tỷ lệ trống đạt 2.36%. Văn phòng hạng B dồi dào hơn với tổng cộng 971,500 m2 tăng 15% so với năm 2018 và tỷ lệ trống 5.98%.
Nguồn: VIRAC, VNREA
Từ năm 2020, ước tính sẽ có thêm 71,000 m2 diện tích văn phòng mới sẽ gia nhập thị trường, trong đó có hai tòa nhà Hạng A – Crescent Hub ngoài khu trung tâm, Friendship Tower tại khu trung tâm – và 1 tòa nhà Hạng B là Viettel Tower ngoài trung tâm.
Thị trường khu công nghiệp
Nguồn cung khu Công nghiệp tại TP.HCM năm 2019 không thay đổi so với năm 2018. Tổng diện tích cho thuê đạt 2,483 ha từ 19 khu công nghiệp đang hoạt động. Trong năm 2019, thị trường khu công nghiệp TP. HCM hoạt động sôi nổi do nguồn cung không đổi và như cầu tăng cao, đẩy tỷ lệ trống toàn thị trường xuống còn 10.52%. Tỷ lệ lấp đầy cũng như giá cho thuê liên tục được cải thiện nhờ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Nguồn: VIRAC, VNREA
Số liệu thống kê vào Q4/2019 cho thấy các quận huyện tại TP.HCM có sự chênh lệch đáng kể về tổng cung đất khu công nghiệp và tỷ lệ trống. Tại những quận nội thành như Quận 2, Quận 12, quận Tân Phú,… có tỷ lệ phần trăm nguồn cung đất khá cao so với quỹ đất tại các quận này. Lượng đất trống gần như không nhiều, với tỷ lệ lấp đầy lên đến gần 100%. Tuy nhiên một vài huyện ngoại thành như huyện Nhà Bè, Bình Chánh thì lượng cung đất cũng cao hơn mà tỷ lệ trống cũng xấp xỉ 25%.
Trong tương lai, đầu tư xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp tại các quận huyện này cũng sẽ được đầu tư phát triển hơn. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra cho các quận huyện ngoại thành này là còn nhiều vướng mắc trong việc giải tỏa đền bù, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất. Một số khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM chưa được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật nên khó thu hút được doanh nghiệp.
Dự báo xu hướng phát triển bất động sản TP.HCM năm 2020
Chuyển dịch đầu tư BĐS sang khu vực lân cận
Theo dự đoán, các khu vực tỉnh lân cận sẽ là thị trường chủ đạo cung cấp nguồn cung chính cho thị trường BĐS trong các năm tới. Quỹ đất tại TP.HCM ngày càng khan hiếm khi các hoạt động công nghiệp càng mở rộng. Trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung ở TP.HCM, thị trường đang có sự dịch chuyển về vùng ven vì nhu cầu nhà ở tại đây đang và sẽ tăng khi lượng chuyên gia, lao động gia tăng. Các thành phố như Bình Phước, Long An, Đồng Nai… đang có nguồn cung mới dồi dào, giá giao bán cũng mềm hơn những khu vực thành phố trung tâm.
Ngoài ra, những yếu tố về hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư, chủ trương phát triển khu đô thị mở rộng về hướng Đông cũng khiến thị trường nơi đây trở nên sôi động hơn. TP.HCM hiện triển khai khoảng 216 dự án hạ tầng giao thông, trong đó các dự án hạ tầng phía Đông chiếm tới 70% tổng nguồn vốn 350.000 tỷ đồng đầu tư cho giao thông thành phố giai đoạn 2010 – 2020.
Hưởng lợi từ những Hiệp định Thương mại tự do
Dưới tác động của EVFTA và EVIPA, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và bất động sản TP.HCM nói riêng được hưởng lợi nhiều nhất là phân khúc bất động sản công nghiệp, văn phòng và nhà ở.
Theo đó, khi hiệp định thương mại này chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 8, sẽ mở ra cơ hội trao đổi hàng hóa, thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài. Việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam khiến các doanh nghiệp chuyển dịch trụ sở, mở chi nhánh… làm tăng cầu về mặt bằng để sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, khi BĐS công nghiệp phát triển sẽ kéo theo làn sóng về nhà đầu tư, chuyên gia, và lao động làm việc và sinh sống. Từ đó phân khúc văn phòng và nhà ở cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong tương lai.