Tình hình ô tô nhập khẩu hiện nay
Theo số lượng thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu đạt hơn 40 nghìn chiếc, giảm 45.9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là hơn 30 nghìn chiếc, giảm 44.2%; ô tô vận tải là hơn 7.3 nghìn chiếc, giảm 56.6%.
Cụ thể, trong tháng 4/2020, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam giảm mạnh với hơn 4 nghìn chiếc, tương đương mức giảm tới 59.5% về lượng so với tháng tháng 3/2020. Giá trị ô tô nhập khẩu trong tháng 4 giảm 430 triệu USD tương đương giảm 40% so với tháng trước đó. Số lượng ô tô nhập khẩu trong tháng 5/2020 cũng không khả quan hơn khi có tổng cộng hơn 4.8 nghìn xe ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng giá trị đạt gần 109 triệu USD, tiếp tục giảm 1.1% về lượng.
Số lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu các tháng đầu năm 2020
Nguồn: VIRAC, GDVC
Nguyên nhân của sự sụt giảm ô tô nhập khẩu
Ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã nâng cao tâm lý tiết kiệm thay vì đầu tư mua xe ở thời điểm hiện tại. Ngay khi có dịch COVID-19 xảy ra, nhiều khách hàng đã tạm gác lại việc sắm xe hơi để dành tiền dự phòng hoặc dùng đầu tư vào những kênh sôi động như vàng. Sắp tới, trong thời gian tháng 7 âm lịch hay còn gọi là tháng “cô hồn” thị trường ô tô sẽ càng ảm đạm hơn.
Cầu đã giảm, cung cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi khoảng thời gian giãn cách xã hội, hàng loạt nhà máy sản xuất ô tô ở nước ngoài tạm ngưng hoạt động. Một số nhà máy sản xuất lắp ráp xe ô tô tại Việt Nam cũng tạm ngừng sản xuất theo chỉ đạo từ tập đoàn mẹ ở nước ngoài cho thấy dự báo tình hình sản xuất kinh doanh ô tô trong năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ các nước áp dụng nhiều biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới làm hoạt động thông quan xuất nhập khẩu xe hơi càng gặp nhiều khó khăn.
Các thị trường nhập khẩu ô tô chủ đạo
Những tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu ô tô có xuất xứ khá đa dạng. Nhưng kim ngạch lớn vẫn tập trung vào 5 thị trường chính là Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Thái Lan vẫn là nước mà Việt Nam nhập khẩu nhiều ô tô nhất. Tính từ đầu năm đến hết tháng 6, nước ta nhập khẩu gần 16 nghìn ô tô từ Thái Lan, tổng kim ngạch gần 341 triệu USD. Trong khi đó, lượng xe nhập khẩu thị trường Indonesia gần 15.8 nghìn xe, tổng kim ngạch gần 201 triệu USD. Như vậy, hai thị trường Đông Nam Á chiếm đến gần 79% tổng lượng xe nhập khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm với tổng sản lượng hơn 31 nghìn xe.
Nguồn: VIRAC, GDVC
So với ô tô sản xuất ở các quốc gia khác, ô tô lắp ráp ở Thái Lan, Indonesia vào Việt Nam (đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối ASEAN ở mức hơn 40%) có lợi thế hơn nhờ việc hưởng mức thuế 0% theo nội dung Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) làm giá của những chiếc xe trở nên rẻ một cách tương đối so với các nhập khẩu từ các quốc gia khác. Vì vậy, bắt đầu từ giai đoạn cuối năm 2018 đến nay, lượng ô tô nhập khẩu từ 2 thị trường lớn này vẫn chiếm lĩnh thị trường ô tô nhập khẩu, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh khiến nhập khẩu giảm sút.
Hiện nay, thị trường ô tô đang ở giai đoạn có nhiều biến động, giá giảm đối với tất cả các phân khúc do nguồn cung từ nhập khẩu, cũng như sản xuất trong nước đang tồn kho khá nhiều. Các công ty sản xuất ô tô đang đề xuất nhiều giải pháp giảm giá mạnh để thúc đẩy xuất khẩu, giảm lượng hàng tồn.
Xu hướng chuyển từ nhập khẩu ô tô sang lắp ráp sản xuất trong nước
Nghị định 70/2020/NĐ-CP chính thức được áp dụng với nội dung giảm 50% lệ phí trước bạ cho các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28/6 đến hết năm 2020. Việc chỉ áp dụng với xe lắp ráp trong nước không chỉ nằm trong kế hoạch kích cầu tiêu dùng sản phẩm sản xuất trong nước, thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô mà còn giúp duy trì cân bằng giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu trong bối cảnh top xe nhập khẩu bán chạy đều thuộc về những mẫu xe được hưởng thuế nhập khẩu 0% từ khu vực ASEAN.
Với chính sách trên, các hãng xe có các mẫu lắp ráp, sản xuất trong nước được hưởng lợi như Vinfast với 100% xe sản xuất trong nước, TC Motor, Thaco Trường Hải, Toyota, Ford… Các mẫu xe nhập khẩu sẽ không nằm trong diện được hưởng mức giảm 50% phí trước bạ trên. Chính vì thế, nhiều hãng xe đang có động thái chuyển từ nhập khẩu ô tô sang lắp ráp sản xuất tại Việt Nam để được hưởng mức ưu đãi chỉ kéo dài trong vòng vài tháng này.
Ở thị trường xe nhập, các dòng xe nhập hiện nay có khá ít mẫu xe mới, chủ yếu vẫn là những cái tên cũ đã quen thuộc trong thị trường. Trong khi đó, nhiều mẫu xe có doanh số cao như Toyota Fortuner, Honda CRV hay Mitsubishi Xpander đã được lắp ráp tại Việt Nam. Chính nhờ sự suy giảm của các mẫu xe nhập sẽ bắt nguồn cho làn sóng ra đời của hàng loạt mẫu xe lắp ráp trong nước với lợi thế về chi phí và thuế. Các mẫu xe này đã và đang khiến giá xe cạnh tranh mạnh và giảm giá quyết liệt hơn.