Ngành rau quả chế biến: tiềm năng rộng mở trong năm 2023

Ngành rau quả chế biến: tiềm năng rộng mở trong năm 2023

Trong nông nghiệp, ngành rau quả là một trong số những ngành hàng tăng trưởng âm so với năm 2021. Nhưng nhu cầu tăng cao từ thị trường quốc tế, đặc biệt đến từ các nước EU thì thị phần rau quả chế biến đón nhận nhiều tin vui. Điều này cho thấy sự nhạy bén của bộ Nông nghiệp khi mở cửa thị trường cho nhiều chủng loại trái cây chủ lực. 

 

Tổng quan tiềm năng của ngành rau quả chế biến Việt Nam trên thị trường quốc tế

 

Số liệu năm 2022 từ cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương cho biết, nhìn chung cơ cấu chủng loại rau quả xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực. Điều đó được thể hiện qua việc tăng tỉ trọng rau quả chế biến. 

Cụ thể, tỷ trọng rau quả chế biến chiếm 29,47% – tăng 3,8 điểm so với năm 2021. Kim ngạch sản phẩm chế biến hiện nay đã vượt mốc 1 tỷ USD. 

 

Cơ cấu mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu
                                                Hình 1. Cơ cấu mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu

 

Trong đó, sản phẩm chế biến là trái chanh leo dẫn đầu về giá, ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh trong năm 2022. Các chủng loại chế biến phổ biến khác có thể kể đến dừa, hạt dẻ cười, dứa, trái cây các loại,..

 

Về thị phần trong thị trường EU, chế biến rau quả Việt Nam hiện mới chiếm khoảng 2,7%. Do vậy tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam phát triển rau quả chế biến ở thị trường quốc tế vẫn là rất lớn. 

 

Qua đó cũng thể hiện sự cấp thiết của việc đẩy mạnh công nghệ chế biến nhằm gia tăng thị phần rau quả. 

 

Tiềm năng của ngành rau quả chế biến Việt Nam trên thị trường quốc tế

 

Trong những tháng cuối năm, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đã bớt khó khăn. Nhưng tính chung trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Trái ngược với Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác lại chứng minh sức sống bền bỉ khi tăng trưởng mạnh mẽ tại với những con số ấn tượng như Mỹ (tăng 14,4% trong 11 tháng năm 2022), Hàn Quốc (tăng 14,1%), Thái Lan (tăng 19,7%), Nhật Bản (tăng 7,3%), Hà Lan (tăng 47,2%), Australia (tăng 5,5%)…

 

Cơ cấu rau quả chế biến trên thế giới
                                                                Hình 2. Cơ cấu rau quả chế biến trên thế giới

 

Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu hàng rau quả chế biến của Hoa Kỳ năm 2022 rơi vào khoảng 11 tỷ USD, trong đó từ Việt Nam là 280 triệu USD. Trong 3 năm qua, giá trị xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, với mức tăng 30 – 45% mỗi năm.

 

Trong cơ cấu rau quả Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu thời gian qua, sản phẩm tươi chiếm khoảng 70%, sản phẩm chế biến chỉ chiếm 30% (chủ yếu là nước ép trái cây, nước ép đông lạnh). Người dân châu Âu có xu hướng tiêu dùng xanh và nhu cầu cao với thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe. Vậy nên sản phẩm thực vật là lựa chọn hoàn hảo để thay thế sản phẩm động vật.

 

Đây là các thị trường tiêu thụ khó tính đòi hỏi ngành rau quả Việt Nam phải chú trọng nhiều hơn vào việc chế biến và bảo quản rau củ quả đạt chuẩn quốc tế. Trong nhóm sản phẩm chế biến xuất khẩu sang EU, các sản phẩm nước ép trái cây, nước ép đông lạnh chiếm tỉ trọng lớn. Vì vậy, các chuyên gia ngành rau quả cho rằng, rau quả chế biến của Việt Nam còn nhiều dư địa để mở rộng thị phần xuất khẩu trên toàn cầu. Một khi xuất khẩu hàng rau quả chế biến cho các thị trường này thì cơ hội phát triển sẽ ngày càng mở rộng. 

 

Đẩy mạnh công nghệ chế biến rau quả để tăng cường sức cạnh tranh

 

Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, sản lượng trái cây và rau thu hoạch hàng năm tại Việt Nam đạt trên dưới 31 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng đưa vào chế biến mới chỉ đạt khoảng 4,5 triệu tấn, chiếm 12 – 17% trong tổng sản lượng rau quả cả nước.

 

Khoảng 76% rau quả xuất khẩu vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu. Trong khi nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới nói chung, châu Âu nói riêng đang nghiêng về sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến. Đây là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam chiếm tỷ trọng thấp.

 

sản phẩm rau quả đã qua chế biến
                                                                           Hình 3. Sản phẩm rau quả chế biến

 

Về vấn đề chế biến, cả nước hiện có 150 nhà máy chế biến rau quả công nghệ hiện đại công suất chế biến đạt gần 1,1 triệu tấn/năm, chỉ chế biến được khoảng 8 – 10% sản lượng trái cây, rau củ mỗi năm. Ngoài ra, 3,4 triệu tấn được chế biến bởi 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây quy mô siêu nhỏ, hộ gia đình, những sản phẩm này khó đáp ứng chất lượng cho xuất khẩu.

 

Ông Lê Thanh Hòa, phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh: “Việt Nam hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Do đó, Bộ NN&PTNT rất mong doanh nghiệp ngành rau quả tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới..”.

 

Ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C cho hay phát triển ngành rau quả theo hướng chế biến không chỉ giúp kiểm soát được giá thành, mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 – 4 lần so với mặt hàng tươi. Đặc biệt hoạt động này còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung.

 

Các nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh công nghệ chế biến rau quả

 

Trong khi đa phần doanh nghiệp chế biến rau quả quy mô vốn rất nhỏ (hơn 80% số cơ sở dưới 2 tỷ đồng), không được ưu tiên về mặt bằng sản xuất; công tác bảo quản sau thu hoạch của người nông dân chưa chú trọng dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%.

 

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến trái cây phản ánh, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, những đơn vị còn lại quy mô vừa và nhỏ nên việc tiếp cận vốn vay không hề dễ dàng, cơ chế chính sách, mức hỗ trợ thấp.

 

Trước tình hình này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nafoods, cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cần đề xuất cấp thẩm quyền để có nguồn ngân sách tập trung ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vay ưu đãi đầu tư vào hệ thống kho lạnh và đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển các nhà máy chế biến rau quả. Khi đầu tư nhà máy, các cơ quan chức năng cần quản lý quy hoạch vùng trồng hợp lý, tránh tình trạng có nhà máy lại không có nguyên liệu.

 

Quy mô chế biến
                                                                      Hình 4. Quy mô chế biến rau quả tại Việt Nam

 

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh trái cây, đối tượng quy mô nhỏ, vừa chiếm 97%, do vậy định hướng cho phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa là điều cần thiết. Việc tập trung đúng hướng giúp nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến.

 

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đề xuất, thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương quy hoạch khu chế biến và có chính sách khuyến khích đầu tư; hỗ trợ về nguồn vốn cũng như chuyển giao công nghệ…

 

Ðặc biệt, cần có các hỗ trợ về vốn, kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết hiệu quả và bền vững tại vùng nguyên liệu. 

 

Những chú ý khi xuất khẩu rau quả chế biến

 

Bộ Công Thương nhận định, hiện nay Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Chủ yếu các công nghệ sấy bằng điện lạnh đang là xu hướng mới mang lại chất lượng sản phẩm cao hơn với chi phí sản xuất thấp, thân thiện với môi trường.

 

Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục thị trường “khó tính” này.

 

rau quả chế biến
Hình 5. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp                                                       và Phát triển Nông thôn

 

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành NN&PTNT ngày 13/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, để thúc đẩy xuất khẩu thì ngoài việc chú trọng công nghệ chế biến, cần tiếp tục tập trung tái cơ cấu sản xuất để nâng tầm nông sản Việt. 

 

Xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại biên giới, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, nhất là Trung Quốc.

 

Cùng với đó thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt là trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ nông sản. Triển khai có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp, vụ kiện trong thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

 

Nhu cầu tiêu thụ rau quả tăng từ thị trường quốc tế, trong đó có tăng trưởng vượt bậc từ các quốc gia EU. Giúp ngành rau quả chế biến Việt Nam nở rộ trong những năm trở lại đây. Do đó, Cục Xuất nhập khẩu khuyến khích các doanh nghiệp ngành rau quả cần tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây sẽ là xu hướng của thị trường trong thời gian tới. 

 

————————–

VIRAC cung cấp đa dạng các hình thức báo cáo nghiên cứu về nhiều ngành hàng tại Việt Nam; Bao gồm phân tích toàn diện và chi tiết về thị trường, sản phẩm – dịch vụ theo nhu cầu của Quý khách hàng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

 

Cụ thể, VIRAC mang đến những sản phẩm và dịch vụ liên quan đến:

 

 

Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam TỰ TIN là người bạn đồng hành đáng tin cậy của Quý doanh nghiệp trên con đường chinh phục thị trường Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.