Số lượng chuyến bay khai thác giảm mạnh
Trong năm 2019, số lượng chuyến bay khai thác là 326.7 nghìn chuyến, tăng trưởng 10.2% so với năm 2018 nhờ có sự tham gia của hãng hàng không mới Bamboo Airways. VietJet Air đứng đầu về số chuyến bay khai thác với trung bình khoảng 380 chuyến mỗi ngày, chiếm 42.6% tổng số chuyến bay khai thác, tăng 16.9% số chuyến bay so với năm 2018. Trong khi đó, Vietnam Airline chiếm 36.7% (giảm 6.6%), Jetstar chiếm 10.7% (giảm 2.2%) và VASCO chiếm 3.9% (giảm 7.0%). Bamboo Airways dù mới vận hành đầu năm nay nhưng cũng đã vượt VASCO nắm giữ 6.2% thị phần chuyến bay khai thác.
Nguồn: VIRAC, ACV
Đầu năm 2020, hàng không Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch COVID-19 khi chỉ khai thác 1-2% đội bay. Tính đến tháng 5/2020, hàng không Việt Nam mới chỉ khôi phục được một phần, còn khoảng 70% – 80% đội tàu bay (250 chiếc) vẫn chưa được sử dụng.
6 tháng đầu năm 2020, số liệu chuyến bay khai thác của cả 5 hãng hàng không trong nước đều giảm kỷ lục so với cùng kỳ năm trước. Điển hình là Jetstar Pacific (-59.2%), Vietjet Air (-37.1%), Vietnam Airlines (-32.8%)… Riêng tân binh Bamboo Airways khai thác 13,938 chuyến, tăng 108%. Một phần nguyên nhân của sự chênh lệch này là Bamboo Airways mới bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 1/2019 với đội bay nhỏ, hiện nay số tàu bay của hãng đã tăng lên đáng kể.
Nguồn: VIRAC, CAA
Hiện nay các hãng hàng không Việt Nam vẫn chưa được phép nối lại đường bay thường lệ quốc tế do lo ngại dịch COVID-19 tại các nước vẫn đang diễn biến phức tạp. Vietnam Airlines và Bamboo Airways từng thông báo kế hoạch bay quốc tế từ 1/7 nhưng đều chưa thực hiện được.
Doanh thu hàng không ghi nhận lỗ hàng loạt
6 tháng đầu năm 2020 có thể coi là thời gian khó khăn nhất từ trước tới nay đối với Vietnam Airlines khi hãng hàng không này báo lỗ 2.6 nghìn tỷ đồng sau thuế vào Q1/2020. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử của Vietnam Airlines và nhiều hơn lợi nhuận ròng 2.5 nghìn tỷ của cả năm 2019. Trong Q2/2020, doanh thu của Vietnam Airlines giảm khoảng 18 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận giảm gần 6.4 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch. Dự kiến trong năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm 49.3 nghìn tỷ đồng và mức lỗ lên đến gần 16 nghìn tỷ đồng.
Vietjet Air cũng ghi nhận mức lỗ 989 tỷ đồng trong Q1/2020. Đây là lần đầu tiên hãng ghi nhận lỗ trong quý kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Tính riêng về doanh thu vận tải hàng không, Vietjet Air hụt khoảng 2.8 nghìn tỷ đồng vì đại dịch COVID-19 trong 3 tháng đầu năm 2020.
Jetstar Pacific Airlines cũng rơi vào tình cảnh gần như đóng băng vì dịch COVID-19. Theo số liệu từ Cục Hàng không, hãng này hầu như ở trạng thái ngủ đông trong giai đoạn 19/3 – 18/4 khi số chuyến bay giảm tới 97.2% so với cùng kỳ. Trong 30 ngày, hãng chỉ thực hiện 79 chuyến bay, tương đương hơn 2 chuyến bay mỗi ngày, mức thấp chưa từng có trong lịch sử khai thác của Jetstar Pacific. Công ty con của Vietnam Airline cũng báo lỗ 1.2 nghìn tỷ trong 6 tháng đầu năm do dịch COVID-19.
Xu hướng khôi phục ngành hàng không sau dịch bệnh
Giảm thuế bảo vệ môi trường của nhiên liệu bay
Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp vận tải hàng không đã chịu tổn thất nặng nề và đối mặt với nguy cơ phá sản cao. Vì thế Bộ Tài Chính đã đề xuất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 3,000 đồng/lít xuống còn 2,100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2020. Đề án trên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt vào ngày 14/7.
Việc giảm giá nhiên liệu bay là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của ngành hàng không, làm giảm chi phí nguyên liệu đầu vào của ngành hàng không. Việc giảm giá 30% thuế bảo vệ môi trường hay giảm các loại thuế, phí liên quan đến hàng không cũng nhằm mục đích kích cầu người tiêu dùng sử dụng dịch vụ hàng không, qua đó tạo điều kiện cho ngành này duy trì hoạt động, phục hồi và phát triển.
Mở rộng đường bay du lịch nội địa
Trong 2 tháng qua, Vietnam Airlines và Vietjet Air dồn dập mở thêm đường bay nội địa, giảm giá để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch xây dựng tour kích cầu hấp dẫn. Hãng hàng không Vietjet Air vừa nâng tổng số đường bay nội địa Việt Nam lên 53 đường với 8 đường bay mới kết nối Hà Nội với các tỉnh có các khu du lịch đáng kể trên cả nước. Còn Vietnam Airlines mở mới 13 đường bay nội địa kết nối tới những điểm du lịch nổi tiếng của đất nước như: Hải Phòng – Đà Lạt, Phú Quốc, Cần Thơ; Vinh – Cần Thơ… Dự kiến trong tháng 7 này, Vietnam Airlines sẽ mở thêm 5 đường bay mới, nâng tổng số đường bay nội địa lên 55 đường bay.
Mở lại các đường bay quốc tế
Thị trường du lịch quốc tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch và hàng không. Mặc dù đã được phép phục hồi toàn bộ hoạt động mở bán, khai thác đường bay nội địa theo nhu cầu của thị trường, nhưng công suất thị trường nội địa hiện chỉ bằng một nửa so với thời điểm trước dịch. Trong khi các đường bay quốc tế thường mang lại 50 – 60% doanh thu và lợi nhuận cho cả hãng hàng không và doanh nghiệp khai thác cảng, một lượng lớn tàu bay vẫn nằm dài trên các sân đỗ không được khai thác.
Tuy nhiên trong giai đoạn dịch bệnh vẫn còn phức tạp như hiện nay, việc mở lại các đường bay quốc tế là một quyết định có nhiều rủi ro. Tại thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên được chỉ định khai thác các đường bay quốc tế giai đoạn đầu. Dự kiến trong tháng 8, một số chuyến bay thường lệ đầu tiên sẽ được khai thác trở lại với tần suất 1 chuyến/tuần với mỗi nước. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì các bên có thể tăng tần suất, số đường bay khai thác.
Việc mở lại các đường bay quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hãng hàng không, nhất là khi suy thoái thời điểm đầu năm 2020 đã khiến nhiều hãng rơi vào tình cảnh kiệt quệ, trên bờ vực phá sản nếu thị trường quốc tế không có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên với những vấn đề về kiểm soát dịch bệnh, cách ly sau nhập cảnh… là những bài toán nan giải nếu mở lại các tuyến hàng không, du lịch quốc tế vào thời điểm này khi chưa xem xét thấu đáo và không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.