Năm 2021 vừa qua là cột mốc đánh dấu những thành tựu vượt bậc của công nghệ chuyển đổi số với hàng loạt các giải pháp giúp đưa cuộc sống trở lại thời kỳ “bình thường mới”. Và khi đại dịch dần lắng xuống, người tiêu dùng cũng đã thích nghi và xây dựng được thói quen sử dụng các giải pháp chuyển đổi số, xu hướng này hứa hẹn sẽ trở thành cơ hội chuyển mình và hồi sinh mạnh mẽ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hậu Covid-19. |
Xu hướng chuyển đổi số bùng nổ thời kỳ Covid-19
Chuyển đổi số là gì? Tầm quan trọng của chuyển đổi số?
Chuyển đổi số (Digital transformation) được hiểu là ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số như điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (Big data),… vào mọi hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp nhằm tối ưu quy trình quản lý, vận hành. Lợi ích dễ thấy nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là giúp cắt giảm chi phí vận hành. Bên cạnh đó, phương thức này cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài, giúp các nhà lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn với hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên. Từ đó, giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia phân tích và nghiên cứu thị trường, 5 mục đích cuối cùng mà các doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến bao gồm: Tăng tốc độ ra thị trường; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tăng năng suất của nhân viên; Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Doanh nghiệp chuyển đổi số thích ứng linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh
Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc vận hành theo phương thức truyền thống khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dễ bị tổn thương và chậm chuyển đổi. Vì vậy để “vá lại các vết thương”, họ phải dùng đến “đòn bẩy số”. Vậy các doanh nghiệp đã ứng dụng chuyển đổi số như thế nào để vượt qua thời kỳ “ảm đạm” của đại dịch Covid-19?
Kể từ khi đại dịch bùng phát, các công ty đã đẩy nhanh tốc độ số hóa các tương tác giữa khách hàng, chuỗi cung ứng,hoạt động nội bộ và các hoạt động kinh doanh. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt áp dụng các nền tảng công nghệ số cho phép công ty được vận hành từ xa và nhân viên làm việc tại nhà. Bên cạnh đó, dưới tác động của dịch Covid-19, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đều có sự tăng trưởng đáng kể; Đặc biệt là số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh. Việc hiện đại hóa cách thức tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến từ khâu đặt hàng đến nhận hàng của người tiêu dùng đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua được các thời kỳ khó khăn của dịch bệnh và đạt mức tăng trưởng về doanh thu; Điển hình có thể kể đến các cái tên như Tiki, Speed Lotte hay Coopmart, BigC hay VinID… đã và đang ứng dụng mô hình trên một cách hiệu quả.
Theo kết quả khảo sát được Vietnam Report tiến hành trong tháng 11/2021 về chi phí cho quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp, có 94.7% doanh nghiệp đã và đang đầu tư cho lĩnh vực chuyển đổi số. Cụ thể, 44.0% doanh nghiệp chi dưới 1% của tổng doanh thu cho quá trình chuyển đổi số; 40.1% doanh nghiệp chi từ 1% đến dưới 5% tổng doanh thu; 9.3% doanh nghiệp sử dụng từ 5% đến 10% tổng doanh thu và 1.3% doanh nghiệp tập trung đầu tư trên 10% tổng doanh thu để thực hiện chuyển đổi số. Như vậy, có thể thấy mức độ “chịu chi” cho chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt còn khá thấp và chưa được doanh nghiệp thực sự chú trọng. Song nhìn chung, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và lan rộng, cũng như nhờ những hiệu quả dễ dàng thấy được mà nó đem lại cho thị trường đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu tham gia mạnh mẽ và sẵn sàng cho cuộc đua số hóa.
Nguồn: Vietnam Report (11/2021)
Một số ngành nghề áp dụng thành công chuyển đổi số trong suốt quãng thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát có thể kể đến như dịch vụ chăm sóc y tế tận nhà, dịch vụ giao hàng, mua sắm trực tuyến…
Tiềm năng phát triển mạnh mẽ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số thời kỳ hậu Covid
Chiều 24/3/2022, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số năm 2022.
Theo số liệu nghiên cứu của VIRAC, Việt Nam có khoảng hơn 2 triệu doanh nghiệp bao gồm cả niêm yết và không niêm yết; Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 98%. Theo kế hoạch, năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục lựa chọn các nền tảng số xuất sắc với mục tiêu hỗ trợ 30 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số.
Doanh nghiệp chuyển đổi số – Điểm đến thu hút với các nhà đầu tư nước ngoài
Trong diễn đàn đầu tư Việt Nam với chủ đề “Kỷ nguyên mới về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh” được tổ chức tại London ngày 30/3/2022, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Anh Quốc đã nhấn mạnh về tiềm năng chuyển đổi số nhanh chóng của các doanh nghiệp Việt trong 5 – 10 năm tới; và xứ sở sương mù có thể sẽ trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam với các dự án về chuyển đổi số. Không những thế, trong hơn 10 năm qua, Anh đã trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về chính phủ điện tử. Do đó, đây sẽ là cơ hội tốt dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Không chỉ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Anh, Chuyển đổi số cũng là lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư Hoa kỳ. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và Nâng cao năng lực kết nối cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Nhấn mạnh vai trò thu hút FDI (vốn đầu tư nước ngoài) vào công nghệ số; Ông Rafael Frankel, Giám đốc chính sách công khu vực Nam Á và Đông Nam Á của Công ty Meta (Hoa Kỳ) khẳng định mong muốn được đồng hành với các Doanh nghiệp Việt cả trong giai đoạn hậu COVID-19 và về lâu dài trong lĩnh vực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới nền kinh tế của Việt Nam.
Chuyển đổi số giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt hậu Covid-19
Trong khảo sát của WS và Skift (2021), hơn 87% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng việc tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ trong thời kỳ hậu COVID-19 là vô cùng quan trọng. 82% nhóm các doanh nghiệp phụ thuộc vào các dịch vụ trực tiếp tham gia khảo sát của Fujitsu khẳng định sẽ chú trọng đầu tư để tự động hóa các quy trình, nếu chia theo các ngành nghề thì tỷ lệ tương ứng là sản xuất 85%, tài chính 86%, y tế và giao thông 80%, bán lẻ 79%, dịch vụ công 81%.
Nguồn: Khảo sát của WS và Skift (2021)
Dự báo về xu hướng chuyển đổi số trong tương lai ngắn hạn, các chuyên gia đều có chung một nhận định: Dữ liệu sẽ tiếp tục đóng vai trò như một loại “nguyên liệu sáng tạo” đẩy mạnh tăng trưởng và tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với 55% trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. Thống kê này cho thấy không chỉ doanh nghiệp chuyển đổi số mà ngay cả thói quen người dùng cũng chuyển sang môi trường số hóa rất nhanh. Có thể thấy, việc hình thành sẵn nhu cầu như vậy sẽ tạo lợi thế lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ “chuyển mình”.
Sau hơn hai năm “sống chung” với dịch Covid-19, có thể thấy chuyển đổi số sẽ trở thành “vũ khí lợi hại” để các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực và tạo lợi thế cạnh tranh. Đuổi kịp xu thế này, năm 2022 dự đoán sẽ là một năm bùng nổ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo số liệu nghiên cứu của VIRAC về Doanh nghiệp tại Việt Nam, những Công ty đại chúng hiện nay chỉ chiếm khoảng 0.3% trong số những công ty có phát hành Báo cáo tài chính. Do vậy, các công ty vừa và nhỏ không niêm yết – “phần chìm” của tảng băng trôi sẽ là những đối thủ cạnh tranh tiềm năng đối với nhiều doanh nghiệp.
Với hơn 6 năm kinh nghiệm, VIRAC đã và đang hỗ trợ và được tín nhiệm bởi nhiều khách hàng trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực: Tài chính – Ngân hàng, Chứng khoán, Tư vấn, Đầu tư, Mua bán – Sáp nhập, Doanh nghiệp FDI vốn nước ngoài,… VIRAC tự tin có đủ khả năng và năng lực để cùng đồng hành và hỗ trợ Quý công ty trong việc cung cấp thông tin nghiên cứu thị trường – nghiên cứu doanh nghiệp chính xác, giúp cho việc tìm kiếm, đánh giá đối tác tiềm năng, cũng như dễ dàng lên kế hoạch và ra quyết định cho hoạt động kinh doanh của Quý Doanh nghiệp.