TÍN HIỆU TÍCH CỰC CHO NGÀNH DẦU KHÍ CUỐI NĂM NAY

Tác động kép của dịch COVID-19 và giá dầu thế giới giảm mạnh đầu năm 2020

Nếu trước đó thị trường dầu trải qua nhiều biến động nhưng vẫn duy trì lượng tiêu thụ tốt, sang đến năm 2020 ngành dầu khí trái lại đầy tiêu cực, đỉnh điểm là giá dầu giảm sâu kỷ lục, gây thua lỗ nặng nề đến nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

Nguồn: VIRAC tổng hợp

Đầu năm 2020, nhu cầu dùng dầu thô suy yếu khi chính phủ ban hành các chính sách phong tỏa và giãn cách xã hội. Để hạn chế tột cùng sự lây lan dịch bệnh, các hoạt động lưu thông hàng hóa và sản xuất công nghiệp phải kìm hãm hoạt động, dẫn đến lượng dầu tiêu thụ sụt giảm trong hai quý đầu năm. IEA cho biết, tính đến tháng 11/2020, thế giới chỉ tiêu thụ trung bình 91 triệu thùng dầu 1 ngày, giảm đến 8.8 triệu thùng so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: VIRAC tổng hợp

Theo đó, trị giá dầu thô cũng không tránh khỏi xuống dốc trước những thay đổi tiêu cực từ nguồn cầu toàn thế giới. Năm 2020 chứng kiến giá dầu Brent giảm mạnh gần 40% so với năm ngoái, từ 50 USD/thùng giảm còn dưới 30 USD/thùng. Khả năng giá dầu thô hợp đồng tụt xuống mức âm là rất cao xét thực tế các nhà sản xuất đang phải chống chọi với lượng phí phát sinh tồn kho ngoài dự kiến. Bên cạnh đó, WTI – loại dầu chiếm lĩnh thị trường Âu Mỹ cũng lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận mức giá giảm còn âm 37.6 USD 1 thùng cuối tháng 4 này. Dự báo trong giai đoạn tới, giá dầu thô sẽ phải mất một thời gian dài để phục hồi khi dịch bệnh vẫn còn mất kiểm soát.

Tại Việt Nam, giá xăng dầu nội địa bắt đầu suy giảm trong quý 1 và 2, kể từ quý 3 có khởi sắc nhưng vẫn lép vế so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, quý 2 chứng kiến mức giảm kỷ lục của đồng loạt các loại xăng trong nước, thấp nhất là dầu hỏa trung bình 8 nghìn đồng/lít, loại dầu RON 95-IV cao giá nhất cũng chỉ bán 14 nghìn đồng/lít.

Nguồn: VIRAC, Petrolimex

Đáng nói cho đến tháng 11, những chính sách điều chỉnh giá xăng dầu của Liên bộ công thương – tài chính lại một lần suy giảm giá thành mặt hàng này trong nước. Cụ thể, giá xăng E5RON92 giảm 224 đồng/lít so với giá hiện hành để có giá bán mới 13,885 đồng/lít, RON95-III giảm 238 đồng/lít và giá bán mới là 14,701 đồng/lít, dầu hỏa giảm khiêm tốn 155 đồng xuống còn 9,562 đồng một lít. 

Việt Nam cũng trong tình trạng báo động về lượng dầu dự trữ, dầu tồn kho còn cao và dư thừa, đặc biệt khi lượng tiêu thụ trong nước kém hơn đến 30% so với những giai đoạn trước. Vào tháng 3 năm 2020, dự trữ dầu tại hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn có khả năng vượt mức cho phép, chứng minh các doanh nghiệp đang phải chịu áp lực lớn từ cả đầu vào lẫn đầu ra.

Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Trước tình hình các doanh nghiệp dầu khí chịu tổn thất nặng nề bởi khủng hoảng kép, vị thế của xăng dầu đang lung lay trước sự phát triển của điện năng tái tạo trên cả đấu trường Việt Nam lẫn quốc tế.

Tuy không thể phủ nhận xăng dầu là nguồn nhiên liệu quan trọng bậc nhất hiện nay, trong tương lai sản phẩm này rất có khả năng bị thay thế bởi những năng lượng thân thiện môi trường hơn. Theo dự đoán của VCBS, bắt đầu từ năm 2020, nhu cầu dầu thô sẽ giảm tốc độ tăng trưởng so với tỉ lệ 1% mỗi năm trước đó, ngược lại điện năng đang phát triển mạnh và có khả năng thâu tóm thị trường công nghệ. Tính đến năm 2035, trong khi công nghiệp hóa dầu hứa hẹn kéo lợi thế về cho ngành dầu khí bởi sản xuất nhựa phát triển, những tổn thất từ vận tải toàn cầu có thể xóa bỏ hoàn toàn khởi sắc mà ngành hoá dầu đem lại.

Nguồn: VIRAC tổng hợp

Tại Việt Nam, chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng năng lượng tái tạo đạt 15-20% trong tổng cung năng lượng sơ cấp vào năm 2030 và kế hoạch lên tới 25-30% vào năm 2035. 

PVN nỗ lực trong bối cảnh khủng hoảng

Là doanh nghiệp chủ lực cung cấp dầu khí nội địa, theo PVN, với mỗi mức giảm 1 USD của giá dầu, doanh thu xuất bán dầu của PVN sẽ giảm tương ứng khoảng 225 nghìn USD/ngày. Như vậy, trước tình hình giá dầu trên thế giới tụt dốc từ 60 – 70 USD xuống trên dưới 20 USD/thùng ngoài dự kiến, doanh thu tập đoàn PVN và các đơn vị thành viên gặp phải khó khăn lớn trong quý 2 và cả năm 2020 nói chung. 

Sau 9 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 423.2 nghìn tỷ đồng, giảm 24.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt trong tháng 3, doanh thu Tập đoàn đạt 49 nghìn tỷ đồng, giảm 19.2% so với kế hoạch tháng. Tính chung cả quý 1 PVN thu về 165 nghìn tỷ đồng, bằng 90.9% kế hoạch quý 1 và chiếm 25.7% kế hoạch cả năm.

Tuy nhiên, trước tình hình căng thẳng của ngành, tập đoàn PVN vẫn nỗ lực duy trì hoạt động khai thác ở thượng nguồn, mặc dù đây là bước đi vô cùng khó khăn và mạo hiểm. Kết quả, sản lượng khai thác dầu trong 9 tháng của PVN đạt 8.64 triệu tấn, vượt 9.4% kế hoạch trong nước còn ở nước ngoài vượt hơn 5.2% kế hoạch đề ra, là 1.38 triệu tấn. Chỉ số gia tăng trữ lượng dầu của PVN đã về đích vào tháng 6 năm nay, dẫn đến chỉ tiêu khai thác dầu thô cả năm được hoàn thành xuất sắc ngay từ đầu tháng 12 này (đạt 10.62 triệu tấn vào ngày 5/12/2020).

Ngành dầu khí Việt hy vọng nhiều chuyển biến tươi sáng trong năm tới

Ba năm nay, trữ lượng dầu khí gia tăng hàng năm ít hơn nhiều so với những giai đoạn trước, tính đến hết 2019 mới mở rộng thêm 13.4 tấn dầu, tạo động lực thúc đẩy các dự án dầu khí mới phát triển.

Đáng nói, giá xăng dầu tháng 12 đón nhận mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây, chứng minh sản phẩm này đang đón nhận những tín hiệu phục hồi cả về nhu cầu tiêu dùng và lưu thông thị trường. Cụ thể, giá dầu Brent tăng đến 51.8 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas (WTI) tăng 1.5% lên 48.53 USD/thùng. Cả hai loại đều đạt mức cao kỷ lục chưa từng có kể từ đầu tháng 3/2020.

Nguồn: VIRAC tổng hợp

Nhiều dự án dầu khí lớn được triển khai

Trong bối cảnh trữ lượng dầu giảm, các dự án dầu khí tiềm năng được tập trung đầu tư để đáp ứng nhu cầu gia tăng. Nhiều dự án mỏ khí lớn ở thượng nguồn được kỳ vọng sẽ làm nên thành tích trong giai đoạn sắp tới, trong đó nổi bật là dự án Lô B – Ô Môn và Cá Voi Xanh. Với vốn đầu tư 8 tỷ đồng, mỏ Lô B – Ô Môn có trữ lượng 176 tỷ m3 khí thiên nhiên, công suất 7 tỷ m3 khí/năm, đang đón chờ dòng khí đầu tiên vào năm 2024. Cũng trong thời gian này, dự án dầu khí Cá Voi Xanh kỳ vọng đi vào sản xuất 9.7 tỷ m3 khí/năm, trong đó dung tích trữ lượng đạt 150 tỷ m3 khí. 

Hiện tại, khí thiên nhiên đang được quy hoạch chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu cấp thiết của các nhà máy nhiệt điện. Theo diễn biến thuận lợi của giá điện khí LNG trong khu vực, chính phủ Việt đang tập trung triển khai một vài dự án nhập khẩu và cung cấp năng lượng này trong năm tới. Các chuỗi dự án thượng nguồn – hạ nguồn LNG sẽ được đầu tư theo mô hình Công-Tư, trong đó các nhà máy điện được góp vốn bởi các đơn vị tư nhân dưới hình thức BOT, còn lại cơ sở hạ tầng LNG sẽ thuộc sở hữu của EVN hoặc PVN. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Việt Nam cần xây mới các nhà máy điện sử dụng LNG với tổng công suất 15.000 – 19.000 MW để thỏa mãn nhu cầu điện ngày càng tăng của quốc gia.