Ngành Logistics Việt Nam trên đà tăng trưởng
Tiếp tục ghi nhận chỉ sốLogistics Performance Index khả quan
Theo World Bank, EuroMonitor tính tới năm 2019, chỉ số LPI (Logistics Performance Index) ngành logistics tiếp tục duy trì ở vị trí thứ 39/160 nước, không thay đổi so với năm 2018, đây cũng là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được từ khi WorldBank đưa ra chỉ số LPI.
Trong các thị trường mới nổi về hoạt động Logistics, Việt Nam là quốc gia đứng đầu và xếp hạng cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Nhìn chung các chỉ số đánh giá LPI năm 2019 của Việt Nam không có nhiều thay đổi so với năm 2018.
Nguồn: VIRAC, World Bank
Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số LPI của Việt Nam xếp thứ 3, chỉ sau Singapore (hạng 7) và Thái Lan (hạng 32). So với mức trung bình của 2 khu vực lớn là Đông Á – Thái Bình Dương và châu Âu, chỉ số LPI của Việt Nam đều được thể hiện mức cao xấp xỉ 2 khu vực này, đặc biệt ở một số chỉ số như năng lực và chất lượng dịch vụ Logistics và theo dõi và thời gian truy xuất.
Nguồn: VIRAC
Doanh thu ngành logistics với nhiều tín hiệu tích cực
Năm 2018, quy mô doanh thu ngành logistics của Việt Nam đạt khoảng 712.51 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 18.45% so với năm 2017. Trong giai đoạn 2010 – 2018, doanh thu ngành logistics có xu hướng tăng trưởng liên tục với CAGR đạt mức 23%/năm. Ngành logistics Việt Nam hiện đang tăng trưởng với tốc độ tích cực và được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng hai con số trong ít nhất 5 đến 10 năm nữa.
Nguồn: VIRAC, GSO
Trong cơ cấu doanh thu ngành logistics, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải chiếm tỷ trọng cao nhất với 51% năm 2018, đứng thứ hai là hoạt động vận tải với 46%, còn lại là hoạt động bưu chính và chuyển phát. Có thể thấy, Logistics đã trở thành một ngành đầy triển vọng trong những năm gần đây, ghi nhận lượng vốn đầu tư vào ngành ngày một gia tăng.
Nguồn nhân lực yếu về chuyên môn, chưa được đầu tư đào tạo
Với đặc điểm thị trường logistics mới phát triển trong những năm gần đây, nhân lực logistics Việt Nam có điểm mạnh là nguồn nhân lực trẻ, năng động, ưa thích mạo hiểm và sẵn sàng chịu đựng thử thách cũng như rủi ro. Tuy nhiên, vấn đề Việt Nam đang phải đối mặt chính là nguồn nhân lực logistics thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp.
Lao động làm việc tại các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ
Số lượng doanh nghiệp logistics có xu hướng tăng qua các năm, có hơn 36 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong ngành tính đến hết năm 2018. Tuy nhiên, nhân lực làm việc đa số tại các doanh nghiệp logistics nội địa có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản lý hạn chế, chủ yếu vẫn dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa.
Nguồn: Niên giám thống kê 2018
Hiện nay, lao động làm việc tại các doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường bộ và đường ống chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 60% tổng số lao động đang làm việc trong ngành logistics. Tiếp đó là lao động trong lĩnh vực kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải chiếm hơn 32%; vận tải đường thuỷ; bưu chính và chuyển phát. Lao động trong lĩnh vực vận tải hàng không chiếm tỷ trọng thấp nhất, chưa đến 1%.
Nguồn: Bộ Công Thương
Trong vận tải hàng hóa quốc tế, vận tải hàng hóa bằng đường bộ và đường sắt chiếm tỷ trọng nhỏ, chủ yếu là vận tải theo đường biển và hàng không vì đây là phương thức mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, có khoảng 70% trong số các doanh nghiệp Logistics tại Việt Nam nằm trong chuỗi 1PL và 2PL được đánh giá là có ít giá trị gia tăng trong dịch vụ Logistics do số lượng hàng hóa qua các doanh nghiệp này thường không lớn và quá trình vận chuyển đơn giản.
Thực trạng lao động vừa thiếu, vừa yếu
Nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao ở cấp độ nhà quản lý, các chuyên viên logistics giỏi, hiểu biết luật pháp quốc tế, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp.
Trong số các doanh nghiệp trong nước, có tới 93 – 95% người lao động không được đào tạo chuyên ngành logistics, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn… Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dịch vụ cũng như tăng lợi nhuận của công ty, theo đó có hơn 63% doanh nghiệp khảo sát lựa chọn thiết hụt nguồn nhân lực chất lượng là thách thức phát triển với ngành vận tải và logistics.
Sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng như trạng thái tâm lý của lao động logistics Việt Nam để sẵn sàng đón nhận làn sóng di chuyển lao động giữa các nước ASEAN chưa cao. Vấn đề kỷ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cường độ lao động thấp cũng là những hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới đối với nhân lực logistics Việt Nam.
Đối với đội ngũ cấp quản trị đa số dày dạn kinh nghiệm kinh doanh, mối quan hệ rộng trong kinh doanh, luôn được đào tạo và tái đào tạo để đáp ứng nhu cầu quản lý. Tuy nhiên, đội ngũ này thiếu kiến thức bài bản chuyên sâu do chủ yếu tích tụ kiến thức từ thực tiễn kinh nghiệm kinh doanh hoặc chưa đủ tầm nhìn và khả năng điều hành vươn ra quốc tế hay phát triển lĩnh vực dịch vụ mới.
Trong khi đó, đội ngũ quản lý, giám sát là người có kinh nghiệm thực tế điều hành, chuyên môn vững nhưng phần lớn thiếu kiến thức chuyên sâu do không được đào tạo một cách hệ thống. Theo số liệu thống kê, chỉ khoảng dưới 10% trong số này được đào tạo đúng ngành, có kiến thức cơ bản nên được xem là khá nhạy bén, sáng tạo và am hiểu thị trường. Kiến thức, phong cách và các kỹ năng làm việc hiện đại, tính kỷ luật lao động sẽ là những thách thức lớn đối với nhân lực thuộc nhóm nhân viên, công nhân lao động trực tiếp.
Nguồn: VIRAC
Theo đó, khoảng 60 – 80% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết sự sẵn có của nhân lực logistics lành nghề ở tất cả các cấp từ công nhân lao động trực tiếp đến đội ngũ nhà quản trị tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều chủ yếu ở mức trung bình thấp.
Những thách thức với việc phát triển ngành Logistics, phát triển nguồn nhân lực Logistics
Những thách thức từ đại dịch
Do ảnh hưởng của Covid-19, các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu đều bị dừng hoạt động, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, kho vận. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã phải thực hiện việc cắt giảm nhân sự, giảm thiểu chi phí qua mùa dịch.
Hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Hiện tại Việt Nam chưa có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp về logistics. Nguồn nhân lực của doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu là tự đào tạo theo kinh nghiệm thực tế, mức độ chuyên nghiệp còn kém. Do khó tìm được nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu thực tế nên phần lớn các doanh nghiệp phải tự đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng cho nhân viên theo điều kiện hiện có.
Nhìn chung, hạn chế trong hoạt động tự đào tạo nhân lực logistics tại các doanh nghiệp Việt Nam là thiếu tính chủ động trong đầu tư phát triển nguồn nhân lực logistics. Điều này biểu hiện ở việc các doanh nghiệp chưa có kế hoạch tuyển dụng định kỳ và lâu dài mà thường chỉ tuyển dụng khi cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhân lực trước mắt. Khi thị trường bùng nổ, các doanh nghiệp logistics sẽ phải đối diện thêm với xu hướng thiếu hụt nhân lực giỏi do sức hút của các doanh nghiệp ngoại.