Ngành cao su thiên nhiên lội ngược dòng khôi phục mức tăng trưởng kỳ vọng

Xuất khẩu giảm mạnh nửa đầu năm 2020 

Theo thống kê của Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu ngành cao su của Việt Nam ước đạt 456.000 tấn, với kim ngạch 606 triệu USD, giảm 25.7% về lượng và giảm gần 28% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu cao su bình quân giảm 2.9% so với cùng kỳ năm 2019, xuống mức 1.330 USD/tấn. Thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu của Việt Nam là Hàn Quốc (chiếm 18%), Campuchia (16.2%) và Nhật Bản (12.8%).

Nguồn: VIRAC, MARD, VRA

Trong tổng sản lượng cao su khai thác và nhập khẩu năm 2019, chiếm tỷ trọng phần lớn vẫn là xuất khẩu, chiếm đến 88%, tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 12%. Nhu cầu tiêu thụ cao su nội địa của Việt Nam chỉ chiếm 20% sản lượng có thể khai thác được, giảm 1.4% so với năm 2018. Sản lượng sụt giảm này đến từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi các hoạt động sản xuất đều bị gián đoạn. Xuất khẩu hàng hóa bị ngưng trệ khiến cho cầu giảm, tiêu thụ cao su thiên nhiên cũng giảm theo.

Giá cao su xuất khẩu bình quân nửa đầu năm khoảng 1.325 USD/tấn, giảm 3.3% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm, chiếm thị phần lần lượt là 68.2%, 4.8% và 3.2%.

Nguồn: ANRPC, Tổng cục hải quan

Trong 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc, đạt 665.62 triệu USD, giảm 1.5% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 7/2020, giá trị xuất khẩu cao su của Việt Nam sang quốc gia láng giềng này đạt 155.7 triệu USD, tăng đến 35.3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc 7 tháng đầu năm 2020 chiếm 12%, tăng nhẹ so với mức 11.5% của 7 tháng đầu năm 2019. 

Biến động giá cao su nguyên liệu trong nước

Thị trường mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động giảm trong tháng 7/2020. Cụ thể, tại Bình Phước, giá thu mua mủ nước giảm còn 235 đồng/độ, mủ cao su dạng thô giảm 100 đồng/kg xuống 11,000 đồng/kg. Giá mủ tại Đồng Nai ổn định ở mức 9,600 đồng/kg.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, trong ngắn hạn, thương mại cao su có thể được phục hồi do các nước trên thế giới đang dần dỡ bỏ những chính sách phong tỏa/giãn cách xã hội, nỗ lực khôi phục kinh tế. Việc các nước mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu, từ đó tác động tích cực đến ngành cao su.

Đến tháng 8/2020, giá mủ cao su nguyên liệu trên thị trường trong nước và khối lượng cũng như trị giá xuất khẩu cao su đều tăng. 

Tăng trưởng lội ngược dòng

Theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 8/2020 đạt 220 nghìn tấn, trị giá 267 triệu USD, tăng 8.5% về lượng và tăng gần 9% về trị giá so với tháng 7/2020; so với tháng 8/2019 tăng 21.5% về lượng và tăng 9.3% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019 xuống còn 1.214 USD/tấn. 

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su ước đạt 905 nghìn tấn, trị giá 1.15 tỷ USD, giảm gần 6% về lượng và giảm 12.6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, giá xuất khẩu bình quân giảm 7.2% so với cùng kỳ năm 2019, ở mức 1.272 USD/tấn.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2020, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 64.7% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 442.8 nghìn tấn, trị giá 566.59 triệu USD, tăng gần 22% về lượng và tăng 13.8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, hơn 98% lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Nguồn: VIRAC, VRA

Dự báo đến cuối năm 2020

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su quốc tế (ANRPC)– tổ chức gồm 13 quốc gia sản xuất cao su quan trọng – trong báo cáo tháng 9/2020 cho biết, ngành cao su đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất do cuộc khủng hoảng của dịch Covid-19 và đang có những dấu hiệu phục hồi trong quý III/2020 sau khi giảm sâu ở quý trước đó. 

Cụ thể, ANRPC dự báo nhu cầu cao thế giới quý III/2020 chỉ còn giảm 2.9%, sau khi giảm 14% trong 7 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 15% trong quý I/2020 do Trung Quốc, và giảm 15.8% trong quý II do nhu cầu của các nước khác ngoài Trung Quốc cũng giảm sút).

Với đặc tính đàn hồi, chống thấm và chống nhiệt, mủ cao su thiên nhiên là nguồn nguyên liệu quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp, trong đó, sản xuất lốp xe tiêu thụ khoảng 70% tổng lượng cao su thiên nhiên. Dự báo của Bộ Công thương cho biết, mức tiêu dùng ôtô sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới, đặc biệt là khi nhiều FTA có hiệu lực. Cụ thể, vào năm 2025, nhu cầu ôtô của Việt Nam sẽ đạt khoảng 800,000 – 900,000 xe và tới năm 2030 sẽ tăng lên 1.5 – 1.8 triệu chiếc, góp phần tạo dư địa tăng trưởng cho tiêu thụ săm lốp trong nước. Với tình hình đó, dự báo trong năm nay và các năm tới, doanh số lốp xe ôtô có khả năng tăng trưởng khá. Trong ngành săm lốp, săm lốp ôtô tuy không nhiều về số lượng nhưng về giá trị thị trường chiếm đến trên 50%.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất về kinh tế trong số các nước tham gia CPTPP. Đối với cao su thiên nhiên, CPTPP đưa thuế nhập khẩu từ 3% giảm còn 0%. Do đó, cơ hội cho sản phẩm cao su Việt Nam mở rộng thị trường đến các nước mà công nghiệp chế biến cao su chưa phát triển nhiều như Peru, Chile, Brunei, New Zealand, Úc. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam tiến hành nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại từ các nước có thế mạnh như Nhật Bản, Canada, Singapore với mức thuế 0% để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.