Thị trường thức ăn chăn nuôi 2023: Năng lực sản xuất nguyên liệu vẫn còn hạn chế

Thị trường thức ăn chăn nuôi 2023: Năng lực sản xuất nguyên liệu vẫn còn hạn chế

 

Tổng quan thị trường thức ăn chăn nuôi đầu năm 2023

 

Giá tăng “phi mã” 

 

Lạm phát tác động mạnh lên giá cả nhiều mặt hàng, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi. Theo phản ánh từ các nhà máy thức ăn chăn nuôi, khách hàng của họ kỳ vọng giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm trong năm 2023. 

 

Theo báo cáo từ VIRAC trong quý 1/2023, chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn chưa “hạ nhiệt” và việc giảm giá đang diễn ra chậm hơn dự kiến. SSI đánh giá: “Chi phí thức ăn chăn nuôi thường mất một khoảng thời gian nhất định để điều chỉnh giảm, vì các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã phải chịu chi phí nhập khẩu cao trong một thời gian dài, và tình hình càng khó khăn hơn khi VND mất giá so với USD”.

 

Giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng mạnh đã được phản ánh rõ nét qua con số thống kê. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, hết ngày 15/12/2022, Việt Nam nhập hơn 9 triệu tấn ngô từ nước ngoài, giảm 700.000 tấn so với cùng kỳ 2021, nhưng kim ngạch đạt 3,1 tỷ USD. 

 

Giá thức ăn chăn nuôi tăng

 

Với sản phẩm đậu tương, Việt Nam nhập khoảng 1,7 triệu tấn, giảm 200.000 tấn so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên kim ngạch tăng hơn 110 triệu USD, đạt 1,2 tỷ USD. Bình quân, 16,2 triệu đồng/tấn đậu tương nhập khẩu, đắt hơn khoảng 2,8 triệu đồng/tấn so với giá năm 2021.

  

Về các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và gia súc khác, cả nước chi khoảng 5,1 tỷ USD, tăng hơn 440 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

 

Giá nhập khẩu nguyên liệu không có dấu hiệu hạ

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận: Việt Nam là nước nông nghiệp, có không ít mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng nhất, nhì thế giới nhưng nghịch lý là hàng năm vẫn phải chi nhiều tỷ USD để nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. 

 

Trong buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các nông dân chăn nuôi tại Đồng Nai mới đây, các chủ trang trại đều phản ánh tình trạng giá thức ăn chăn nuôi quá cao, trong khi giá thịt lợn hơi đang giảm, khiến chăn nuôi đang bị thua lỗ.

 

Giá nhập khẩu nguyên liệu chăn nuôi chưa hạ

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp đã có chỉ đạo quyết liệt trong việc phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên (bắp, khoai mì) để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

 

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục xuất khẩu. Mới đây, Công ty CP Ba Huân đã xuất khẩu thành công trứng gà tươi sang Hồng Kông – Trung Quốc với khối lượng 1 container/tuần.

 

Năng lực sản xuất nguyên liệu vẫn còn hạn chế

 

Tính đến nay, Việt Nam đã lọt top 10 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Cục Chăn nuôi cũng đặt mục tiêu năm 2023, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục đà tăng từ 4,5% đến 5,0%.

 

Mặc dù triển vọng chung của toàn ngành được dự báo khả quan và tiềm năng, nhưng để đạt được con số tăng trưởng trên, các nhà sản xuất đòi hỏi sẽ phải thích nghi tốt hơn với các vấn đề, khó khăn bùng nổ kể từ sau đại dịch. Trong đó, chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi vẫn là bài toán nan giải đặt ra cho các doanh nghiệp nội địa từ nhiều năm nay. 

 

Ông Phạm Thanh Dương, Phó Tổng Giám đốc Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết: “Mặc dù là nước nông nghiệp nhưng thực tế Việt Nam lại phải nhập khẩu phần lớn nông sản làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Các loại nguyên liệu này chiếm tới trên 60% giá TĂCN thành phẩm nên chỉ cần thị trường nông sản thế giới biến động thì sẽ tác động ngay tức thì đến toàn bộ chuỗi chăn nuôi trong nước”.

 

Năng lực sản xuất nguyên liệu còn hạn chế

 

Ngô, đậu tương, khô đậu tương và lúa mì là những loại nông sản chính mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chi hàng tỷ USD để nhập về hàng năm. Hiện nay, Việt Nam đang là nước nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 và nhập khẩu ngô lớn thứ 6 trên thế giới.

 

Trong lĩnh vực chăn nuôi, giống và thức ăn được xem là 2 điều kiện cơ bản và quan trọng nhất quyết định tính cạnh tranh trong ngành. Để cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại với nguồn lực tài chính dồi dào cùng công nghệ tiên tiến, các nhà máy và hộ sản xuất vẫn cần giải pháp dài hạn cho mắt xích nguồn nguyên liệu.

 

Các doanh nghiệp vẫn đang tìm giải pháp cho mắt xích nguyên liệu

 

Bộ NN&PTNT khẳng định, đang đẩy mạnh phối hợp các tập đoàn lớn để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất, từ đó giảm nhập siêu. Tín hiệu này được kỳ vọng giá thức ăn chăn nuôi trong nước sẽ hạ nhiệt trong năm 2023, trong bối cảnh dự báo giá nguyên liệu trên toàn cầu vẫn “leo thang” do căng thẳng chính trị, dịch bệnh…

 

Trước tình thế trên, Bộ NN&PTNT khẳng định năm 2023 sẽ đẩy mạnh phối hợp với các tập đoàn chăn nuôi lớn như De Heus hay C.P để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước. “Sự phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu được dự báo còn tiếp diễn lâu dài, nếu chúng ta không có chiến lược tổng thể, bài bản, sự hợp tác và vào cuộc quyết liệt trong việc xây dựng vùng nguyên liệu của các bên liên quan,…”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

 

Hiện, ông Willemink Arno, Giám đốc vận hành De Heus Việt Nam cho hay, những yếu tố quyết định đến việc doanh nghiệp mua nguyên liệu trong nước hay không, đó là giá cả và chất lượng. Trong đó, ngô hạt nội địa thường có độ ẩm cao hơn, biến động về chất lượng nhiều hơn, kích thước hạt nhỏ hơn, nhiều hạt hỏng và vật thể lạ, thường xuyên xuất hiện yếu tố nấm mốc.

 

Doanh nghiệp tìm cách giảm lượng nhập khẩu

 

“Ngô Việt Nam để cạnh tranh với ngô Nam Mỹ về giá cả, chất lượng, thì phải tập trung giảm chi phí và nâng cao năng suất, như áp dụng những kỹ thuật tiên tiến hơn vào trồng trọt, sử dụng phân bón hiệu quả hơn; nâng cao công nghệ chế biến (khâu thu hoạch và sấy khô), bảo quản sau thu hoạch. Đặc biệt là thu hẹp khoảng cách giá giữa người nông dân và người mua cuối cùng, tức là giảm khâu trung gian”, ông Arno nhấn mạnh.

 

Ông Arno cũng cho biết, công ty cũng sẽ chú trọng vào việc sử dụng các phụ phẩm của sắn do các nhà máy sản xuất tinh bột cung ứng. De Heus sẵn sàng đầu tư một nhà máy thức ăn ở Tây Nguyên nếu chúng ta có thể đáp ứng được số lượng cũng như chất lượng cho ngô, sắn. 

 

Dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi trong năm 2023

 

Sang quý 2/2023, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ giảm, phần nào gỡ khó cho hộ nuôi gia súc, gia cầm”, ông Dương Tất Thắng nhận định, đồng thời cho biết hiện nay, hầu hết thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã được đưa về 0%; chỉ còn riêng mặt hàng khô dầu đậu tương còn chịu mức thuế 2% và đang được kiến nghị đưa về 0%. Trong khi giá nhập khẩu một số chủng loại nguyên liệu sản xuất đã giảm so với năm 2022 như: đậu tương, lúa mỳ, ngô…

 

Nhìn chung, để giảm thiểu mức độ lạm phát lúc này cần người dân tăng hiệu quả sử dụng thức ăn cũng như tối ưu công thức thức ăn. Vì thức ăn chiếm chi phí lớn nhất trong chăn nuôi nên việc cải thiện tỷ lệ biến đổi thức ăn là vô cùng quan trọng đối với nhà sản xuất thức ăn và nông dân. 

 

Những thông tin trên được cập nhật từ “Báo cáo Thức ăn chăn nuôi quý 1 năm 2023”. Báo cáo cung cấp đầy đủ thông tin về kinh tế vĩ mô, cung – cầu thương mại của ngành, các thông tin liên quan và dự báo từ những dữ liệu được cập nhật mới nhất.

 

—————————————–

 

VIRAC cung cấp hơn 20 ngành kinh tế như: Bất động sản, Bột giấy và Giấy, Da giầy, Dầu khí, Dệt may, Điện, Đồ uống, Dược phẩm, Gỗ, Hàng không, Hóa chất, Kinh tế vĩ mô, Linh kiện điện tử, Logistics, Lưu trú, Nhựa, Oto, Than, Thép, Thực phẩm, Vật liệu xây dựng, Khoáng sản, Viễn thông, Xi măng,….

 

VIRAC có thể nghiên cứu, làm báo cáo customize để đáp ứng những nhu cầu đặc biệt, chuyên sâu của khách hàng. Đăng ký đề bài TẠI ĐÂY.

 

 

ĐĂNG KÝ NHẬN DEMO BÁO CÁO NGÀNH THỨC ĂN CHĂN NUÔI

 

 

VIRAC được thành lập bởi đội ngũ nhân sự uy tín và có chuyên môn về thông tin, tài chính và nghiên cứu thị trường trong khu vực. VIRAC chuyên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến:

 

  • Nghiên cứu ngành
  • Nghiên cứu doanh nghiệp
  • Nghiên cứu thị trường
  • Nền tảng dữ liệu VIRACE

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.