‘Việt Nam hiện đang xếp hạng thứ 3 thế giới về sản xuất cao su tự nhiên. Cụ thể hơn, Việt Nam đạt 7.7% sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu và khoảng 5.6% tổng diện tích trồng cao su toàn cầu. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vào năm 2019, tổng diện tích trồng cao su tại Việt Nam đạt 946,200 ha với năng suất 1,173 nghìn tấn. Đông Nam Bộ là địa phương dẫn đầu với 56.9% diện tích trồng cao su cả nước. Chất lượng cao su Việt Nam trong năm vừa qua đang đạt chất lượng cao. Các sản phẩm chế biến chủ lực như HA (High Amoniac) và LA (Low Amoniac) 100% đều đạt chuẩn TCVN 6314:2013.’
Ngành cao su Việt Nam sôi động trong xuất khẩu nhưng thị trường nội địa lại thiếu ổn định
Ngành cao su Việt Nam sôi động trong xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng cao su xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 486 nghìn tấn và 817 triệu USD, tăng 79.6% lượng và tăng 111.6% về giá so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ là 3 thị trường lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể hơn, thị phần của 3 nước lần lượt là 64.2%, 5.1% và 2.7%. Không chỉ vậy, giá cao su xuất khẩu bình quân cũng tăng mạnh. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2021, giá cao su đạt 1,660 USD/tấn, tăng 14.1% so với cùng kỳ 2020.
Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2021, cao su hỗn hợp là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 60.89% lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 285,09 nghìn tấn, trị giá 459,18 triệu USD, tăng 87.1% về lượng và tăng 116.3% vềgiá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99.53% tổng lượng cao su hỗn hợp xuất khẩu của cả nước. Các chủng loại cao su xuất khẩu khác đều đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2020.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 64.2% thị phần. Trong năm 2020, các vùng trồng cao su của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng do thời tiết cực đoan. Vì thế, nguồn cung nội địa của Trung Quốc trở nên thiếu hụt trầm trọng. Để ứng phó với tình trạng này và thực hiện chính sách hồi phục kinh tế, Trung Quốc đã tăng cường thu mua, tích trữ mủ cao su. Chính động thái này đã đẩy giá cao su trên thế giới tăng cao.
Giá cao su tại một số sàn giao dịch
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su có nhiều biến động. Giá có xu hướng giảm mạnh trong tuần giữa tháng 5/2021. Ngày 28/5/2021, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 6/2021 ở mức 13,365 NDT/tấn (tương đương 1.78 USD/kg), giảm 2.9% so với cuối tháng 4/2021. Nhưng giá cao su tăng 33.6% so với cùng kỳ năm 2020.
Diễn biến giá cao su giao kỳ hạn tháng 6/2021 tại sàn SHFE trong tháng 5/2021
(ĐVT: NDT/tấn)
Nguồn: shfe.com.cn, VIRAC
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản giá cao su có xu hướng giảm trong mấy phiên gần đây. Tuy nhiên, so với cuối tháng 4/2021, giá vẫn tăng. Ngày 28/5/2021, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 6/2021 giao dịch ở mức 256.8 Yên/kg (tương đương 2.34 USD/kg), tăng 6.3% so với cuối tháng 4/2021 và tăng 86.1% so với cùng kỳ năm 2020.
Diễn biến giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 6/2021 tại sàn Osaka trong tháng 5/2021
(ĐVT: Yên/kg)
Nguồn: cf.market-info.jp, VIRAC
Tại Thái Lan, giá có xu hướng tăng mạnh. Ngày 28/5/2021, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 71.6 Baht/kg (tương đương 2.29 USD/kg), tăng 8.5% so với cuối tháng 4/2021 và tăng 64.2% so với cùng kỳ năm 2020.
Diễn biến giá cao su RSS3 tại Thái Lan trong tháng 5/2021 (ĐVT: Baht/kg)
Nguồn: thainr.com, VIRAC
Thị trường nội địa bất ổn
Trong tháng 5/2021, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước có nhiều biến động. Vì thế, các công ty thu mua cao su buộc phải điều chỉnh giá liên tục dể phù hợp với thị trường. Hiện tại, giá thu mua mủ nước của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng ở mức 380 đồng/TSC; giá thu mua mủ tạp ở mức 290 đồng/TSC. Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh cũng 6 lần thông báo điều chỉnh giá thu mua mủ cao su tiểu điền. Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai cũng 3 lần thông báo điều chỉnh giá thu mua mủ cao su. Cụ thể:
Giá thu mua mủ cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai
Nguồn: Công ty THHH MTV Cao su Đồng Nai, VIRAC
Vậy, đâu là các yếu tố đóng vai trò chủ chốt trong việc điều khiển giá cao su?
Nhu cầu trên thế giới tăng mạnh, đặc biệt tại Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những lý do chính tác động tới giá cao su. Để đối phó với thiếu hụt nguồn cung trong nước do tác động của các hình thái thời tiết cực đoan và thực hiện các biện pháp khôi phục kinh tế, Trung Quốc đã tăng cường thu mua mủ cao su. Theo cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên đạt 493.33 triệu USD, tăng 44.1% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc; đạt 82.26 triệu USD, tăng 140.9% so với cùng kỳ năm 2020.
Các ngành công nghiệp trên thế giới đang trên đà hồi phục
Ngành sản xuất ô tô hồi phục tích cực cũng khiến cho thị trường thêm phần sôi động. Ngành sản xuất ôtô tại Việt Nam tăng trưởng 17.7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Trung Quốc, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAAM), doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 2.53 triệu chiếc trong tháng 3, tăng 74.9% so với cùng kỳ 2020. Doanh số bán xe tháng 3 là tháng thứ 12 tăng liên tiếp. Đây là dấu hiệu rõ nhất cho việc ngành sản xuất xe ô tô ở Trung Quốc đang có sự hồi phục mạnh mẽ. Ngoài ra. ngành sản xuất tại Châu Âu và Mỹ cũng đang có dấu hiệu hồi phục trở lại.
Nhu cầu nhập khẩu cao su để sản xuất găng tay cao su trong bối cảnh dịch bệnh cũng được cho là một lý do chính dẫn tới nhu cầu trên toàn thế giới tăng cao. Nhu cầu găng tay cao su trên toàn cầu đã có mức tăng kỷ lục trong lịch sử, tăng từ 380 tỷ chiếc lên 420 tỷ chiếc do đại dịch Covid-19. Nhờ đó, xuất khẩu găng tay cao su của Thái Lan không ngừng tăng mạnh, thêm 154.9% trong tháng 9/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Điều này đã đưa tổng xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2020 của Thái Lan tăng 61.4%. Hiệp hội các nhà sản xuất găng tay cao su Malaysia (MARGMA) dự đoán tình trạng thiếu găng tay cao su trên toàn cầu sẽ còn kéo dài tới quý 1/2022.
Nguồn cung cao su tại các quốc gia xuất khẩu chính đang giảm sút
Khan hiếm nguồn cung cũng là nguyên nhân dẫn tới giá cao su tăng cao. Tình hình dịch bệnh đã khiến cho nhiều nước xuất khẩu cao su gặp khó khăn trong vấn đề nhân lực. Cuộc biểu tình ở Thái Lan hay cuộc đảo chính ở Myanmar khiến cho nguồn cung cao su bị đình trệ và gặp khó khăn trong việc thu hoạch và vận chuyển. Trong 4 tháng đầu năm 2021, Thái Lan xuất khẩu được 510,8 nghìn tấn cao su tổng hợp, trị giá 818,22 triệu USD. Mức xuất khẩu giảm 21% về lượng và giảm 11,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tại Ấn Độ, nước tiêu thụ cao su nhiều thứ 2 và nước sản xuất cao su nhiều thứ 6 thế giới cũng đang phải đối mặt với tình trạng đình trệ do các biện pháp đối phó với Covid-19.
Kỳ vọng thị trường trong nửa năm còn lại
Nhu cầu của thế giới tăng mạnh
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên 6% trong năm 2021, từ mức 5.5% trước đó. Điều này do triển vọng kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt sau gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD. Ngoài ra, các chuyên gia dự báo trong giai đoạn trung hạn từ năm 2021-2024, giá cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới. Chu kỳ này xảy ra do nguồn cung cao su đang giảm dần mà nhu cầu của thế giới đang có dấu hiệu hồi phục hậu Covid-19.
Hãng sản xuất cao su Thái Lan, Sri Trang (SET) dự báo nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 sẽ ở mức 13,4 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2020. Điều này phần lớn do Trung Quốc tăng thu mua trở lại để phục vụ ngành công nghiệp ô tô đang hồi phục mạnh mẽ. Còn theo Tổ chức nghiên cứu cao su Quốc tế (IRSG) nhận định, nhu cầu cao su tự nhiên thế giới năm 2021 sẽ hồi phục nhờ tăng trưởng của phân khúc xe thương mại, chủ yếu nhờ thị trường của những nước mới nổi.
Nguồn cung có thể suy giảm
Tuy nhiên, nguồn cung có thể bị gián đoạn. Yếu tố đầu tiên là thời tiết khi sản lượng tại các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Malaysia có thể giảm khi mùa đông bắt đầu. Cây cao su sẽ rụng lá vào mùa đông và cho sản lượng mủ thấp hơn. Yếu tố thứ hai là tình trạng thiếu container do các bến cảng đóng cửa và thiếu nhân công tại các nước xuất khẩu. Việc Trung Quốc tăng cường dự trữ và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số nước như các nước Đông Nam Á và Ấn Độ cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sản lượng cao su cung cấp ra thị trường.