Lượng tiêu thụ tại thị trường bia tăng vọt trong năm 2019
Năm 2019 tổng sản lượng sản xuất bia đạt hơn 5 tỷ lít (tăng 22.9% so với cùng kỳ năm 2018); tiêu thụ đạt hơn 4 tỷ lít (tăng 29.1% so với cùng kỳ năm trước). Doanh thu thị trường bia đạt hơn 65 tỷ đồng (tăng 0.5% so với cùng kỳ năm trước). Về chủng loại tiêu thụ, tiêu thụ bia đóng lon chiếm 66.8% tổng tiêu thụ bia tại Việt Nam, tiếp theo là bia đóng chai 29.9%; bia hơi 3.1% và chiếm 1 thị phần khiêm tốn là bia tươi 0.1%.
Về nhập khẩu, sản lượng bia nhập khẩu đạt hơn 37 triệu lít (tăng trưởng 8.9% so với cùng kỳ năm 2018), 3 nguồn cung ứng bia chính của Việt Nam là Hà Lan (25%), Mexico (17%) và Bỉ (16%). So với lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam, nhập khẩu bia vào Việt Nam chiếm tỷ trọng khá nhỏ. Doanh nghiệp nội địa và FDI chiếm lĩnh thị trường bia trong nước, với ưu thế giá bia rẻ, hợp khẩu vị của đông đảo bộ phận khách hàng.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ ngành Bia 2010 –2019
Nguồn: VIRAC, GSO
Về xuất khẩu, sản lượng bia xuất khẩu tăng hơn năm trước đạt hơn 46 triệu lít, trị giá 45.87 triệu USD. Mức sản lượng xuất khẩu sụt giảm khoảng 7% so với cùng kỳ, chủ yếu là do chất lượng bia của Việt Nam chưa được đánh giá cao, chưa tạo được thương hiệu trên thị trường quốc tế. Guinea xích đạo (chiếm khoảng 20%) là thị trường tiêu thụ bia Việt Nam lớn nhất. Trong khi Mexico và Hà Lan là 2 quốc gia cung cấp bia lớn nhất cho Việt Nam.
Những thách thức đối với thị trường bia 2020
Luật Phòng chống tác hại của rượu bia
Luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đã có tác động điều chỉnh thói quen uống bia rượu của nhiều người. Dự báo tốc độ tăng trưởng ngành bia trong năm sẽ không duy trì ở mức 2 con số như các năm trước đây; đạt khoảng 6-7% trong các năm tiếp theo dù mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 1 triệu người đạt độ tuổi hợp pháp để uống đồ uống có cồn. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của hai “ông lớn” trong ngành bia rượu là Sabeco và Habeco đã sụt giảm từ 0,4 – 0,8%. Trong khi đó, trị giá cổ phiếu toàn ngành giảm gần 13% trong năm 2019. Các chuyên gia dự báo, ngành bia rượu sẽ điều chỉnh theo hướng co hẹp vào năm 2020, trong đó các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị tác động mạnh nhất.
Thuế
Đồ uống có cồn tại Việt Nam phải nộp thuế tại 2 công đoạn: công đoạn nhập khẩu và công đoạn tiêu thụ trong nước, gồm 3 loại thuế khác nhau là: thuế nhập khẩu (từ 5-80% tùy loại FTA), thuế giá trị gia tăng (10%) và thuế tiêu thụ đặc biệt (tăng mạnh từ mức 50% lên 65% năm 2018). Điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty bia, đặc biệt là các công ty tại phân khúc trung cấp, vì đây là phân khúc cạnh tranh và khách hàng dễ chịu tác động của giá bán nhất.
Giấy phép sản xuất
Đây có thể coi là trở ngại chính đối với các doanh nghiệp mới. Để mở nhà máy sản xuất bia tại Việt Nam, các doanh nghiệp phải được Bộ Công Thương cấp giấy phép. Trong khi các quy định khá rõ ràng, việc thực hiện có thể gặp nhiều khó khăn. Ngay cả khi tất cả các tỉnh thành đều sẵn sàng tạo điều kiện cho các nhà máy bia mới nhằm thu thuế, việc cấp phép còn tùy thuộc vào quy hoạch bia và đồ uống của Bộ Công Thương, có thể đã được đăng ký trước nhiều năm.
Theo VIRAC, ngành bia Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức như truyền thông, rủi ro về khẩu vị người tiêu dùng thay đổi, M&A,… đòi hỏi sự nỗ lực, cải tiến không ngừng nghỉ để nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế.
Cơ hội nào cho doanh nghiệp ngành bia Việt Nam
Việt Nam luôn là thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp bia trong nước và nước ngoài. Sự cạnh tranh khốc liệt đã được dự báo từ sớm khi ngày càng có nhiều thương hiệu ngoại tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam. Do đó, các chuyên gia dự báo, bức tranh ngành bia rượu nước ta sẽ có những thay đổi lớn trong năm 2020.
Dự báo sản lượng tiêu thụ bia Việt Nam 2019-2022f
Nguồn: VIRAC, BMI
Cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh
Với cơ cấu dân số nằm trong nhóm trẻ nhất thế giới – 56% dân số dưới 30 tuổi, VBA dự đoán tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi và đạt xấp xỉ 173 tỷ USD vào năm 2020. Theo báo cáo của Nielsen, 56% người tiêu dùng Việt Nam dưới 30 tuổi và tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp đôi từ 12 triệu người (2014) lên 33 triệu người (2020). Ước tính Việt Nam sẽ có thêm khoảng 2 triệu người tiêu dùng gia nhập vào tầng lớp trung lưu, đạt tốc độ hình thành tầng lớp trung lưu nhanh nhất Châu Á.
Tiềm năng về thị trường xuất khẩu
Các thị trường xuất khẩu mạnh của Việt Nam (các nước ASEAN, Trung Quốc,…) đều là thị trường có tốc độ tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm, đồ uống cao. Cùng với một loạt các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, thực phẩm, đồ uống Việt Nam phần lớn đã có thể tiếp cận các thị trường xuất khẩu trọng điểm tự do (không có thuế quan)
Những thương vụ M&A đình đám
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, M&A sẽ góp phần nâng quy mô, sức cạnh tranh, thị phần, danh tiếng và hiệu quả của doanh nghiệp lớn hơn, khởi đầu một chu kỳ phát triển mới.
Điển hình là thương vụ công ty Thai Beverage của tỷ phú Thái Lan chi 4,8 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng mua 53,59% Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tháng 12/2017. Đây không chỉ là thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử M&A tại Việt Nam tính đến nay, mà còn là thương vụ M&A lớn nhất của ngành bia châu Á.