NGÀNH DỆT MAY NHẬN TÍN HIỆU KHỞI SẮC TỪ LƯỢNG ĐƠN HÀNG “DỒI DÀO” Q1/2022

Năm 2021 là một năm đầy thách thức với ngành sản xuất dệt may khi đứng trước các sức ép về chi phí gia tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, thâm hụt lao động. Tuy nhiên tới đầu năm 2022, khi Covid-19 được kiểm soát, lao động quay trở làm làm việc, tăng trưởng của ngành dệt may đã dần phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tín hiệu tích cực rõ ràng nhất từ tăng trưởng của thị trường ngành dệt may là việc lượng đơn hàng may mặc đổ về liên tục. Song, với dư âm từ đại dịch, ngành dệt may nhìn chung vẫn vấp phải một số khó khăn nhất định.

 

 

 

 

Ngành dệt may: Tình hình thị trường Q1/2022

 

Ngành sợi, vải gặp khó

 

Theo tổng cục thống kê Ngành dệt may: Trong Q1/2022, sản lượng sợi sản xuất của Việt Nam cũng như xuất khẩu xơ, sợi đều giảm đáng kể. Cụ thể, tổng sản lượng sợi sản xuất tại Việt Nam trong quý 1/2022 giảm 3.2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng sợi tự nhiên giảm 0.1% và sợi nhân tạo giảm 5.0% so với cùng kỳ. Xuất khẩu xơ, sợi cũng có dấu hiệu chững lại sau khi tăng trưởng mạnh trong năm 2021, sản lượng xuất khẩu giảm đến 9.0% trong Q1/2022. Tuy nhiên, do giá sợi vẫn duy trì ở mức cao nên kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 18.9% so với cùng kỳ.

Nguồn: VIRAC, GSO

Bên cạnh đó, ngành dệt nhuộm vải cũng vấp phải nhiều thách thức trong Q1/2022. Cụ thể, sản lượng sản xuất tại Việt Nam trong quý đầu năm 2022 đã giảm 4.1% so với cùng kỳ năm 2021 và mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% tổng nhu cầu của thị trường nội địa. 

 

Có thể thấy, tính đến thời điểm hiện tại, hoạt động sản xuất của ngành vải Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Theo VIRAC, sản xuất vải tại Việt Nam còn yếu kém xuất phát từ 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, vốn đầu tư cho mỗi dự án đều lớn, đặc biệt chi vào công nghệ và các hệ thống xử lý nước thải khá tốn kém khiến cho thời gian thu hồi vốn bị kéo dài dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi muốn đầu tư vào ngành. Thứ hai, việc sử dụng nhiều loại hóa chất trong hệ thống in, nhuộm có thể gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên nhiều địa phương đã cân nhắc rất kỹ hoặc từ chối các dự án dệt nhuộm. Cuối cùng, vải trong nước chủ yếu được sản xuất theo thiết kế mẫu của nước ngoài khiến cho các sản phẩm vải tại Việt Nam thiếu tính sáng tạo và giảm sức hấp dẫn với khách hàng.

 

 

Ngành may mặc phục hồi mạnh mẽ

 

Trong quý 1/2022, sản lượng quần áo mặc thường mà các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tăng 12.4% so với cùng kỳ.Các thị trường nước ngoài như Mỹ, EU đã mở cửa trở lại, kinh tế phục hồi, nhu cầu đối với hàng may mặc tăng cao.Hơn nữa, Chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero Covid” khiến các đơn hàng không thể thực hiện hoặc bị trễ, nhiều đối tác đã chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp may mặc đã bắt đầu phục hồi và đi vào ổn định như trước khi có dịch bệnh.  Trong quý 1/2022, tổng mức bán lẻ hàng may mặc của Việt Nam đạt 54.2 nghìn tỷ đồng, giảm 3.6% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Dự báo ngành dệt may Q2/2022

 

Kết quả kinh doanh ngành dệt may Q1/2022 đã cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực của ngành dệt may sau làn sóng dịch Covid lần thứ 4. Theo đó, Dệt may Việt trong Q2/2022 được dự báo có nhiều triển vọng tiềm năng, đặc biệt đối với ngành may mặc. Bên cạnh những động lực tăng trưởng trên, ngành dệt may Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn về chi phí sản xuất tăng cao. Dự kiến giá của các nguyên liệu đầu vào ngành dệt may như bông, xơ, sợi, vải tiếp tục xu hướng tăng; và các chi phí logistics như giá container, chi phí vận chuyển vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống. Việc tăng chi phí sản xuất sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khi nhiều doanh nghiệp gặp những khó khăn về tài chính.

 

Ngành dệt may có tiềm năng phục hồi tích cực

Năm 2022 sản xuất dệt may có triển vọng tích cực ổn định nhờ sự phục hồi của thị trường lao động. Với chính sách triển khai tiêm vacxin “thần tốc” của chính phủ, người lao động có thể yên tâm quay trở lại làm việc nhờ tỷ lệ tiêm phòng vacxin cao. Không chỉ vậy, các chính sách tăng phúc lợi của doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ người lao động của nhà nước cũng góp phần đưa hoạt động sản xuất của ngành dệt may trở lại bình thường.

 

Không những thế, nhu cầu hàng dệt may trên thị trường quốc tế được dự báo sẽ hồi phục trong 2022. Doanh thu bán lẻ hàng may mặc toàn cầu sẽ tăng trưởng 5.4% so với 2021 nhờ kỳ vọng về sự hồi phục của các nền kinh tế và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch sẽ kích thích tiêu dùng hàng dệt may. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều có triển vọng tích cực.

Cụ thể, thị trường Mỹ có nhu cầu tiêu thụ ổn định và cơ hội gia tăng thị phần của Trung Quốc tại thị trường này đang giảm nhanh, tạo cơ hội cho Việt Nam thâm nhập vào thị trường Mỹ. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc cũng nằm trong top những thị trường xuất khẩu tiềm năng trong nửa sau 2022 nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng từ nới lỏng quy tắc xuất xứ trong hiệp định RCEP. Đồng thời, thị trường EU cũng dự báo sẽ đạt được mức doanh thu ấn tượng nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu từ lộ trình giảm thuế của EVFTA.

 

Ngành dệt may tồn tại một số thách thức

 

Bên cạnh những điểm sáng cho triển vọng ngành 2022, doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ nội tại như: giá nguyên liệu đầu vào ngành dệt may như bông, xơ, sợi, vải tiếp tục xu hướng tăng, chi phí logistics như giá container, giá vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn về tài chính. Ngoài ra, doanh nghiệp khu vực phía nam vẫn thiếu lao động, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành cũng là thách thức đối với doanh nghiệp ngành dệt may.

 

Dù đang có những tín hiệu khởi sắc, nhiều đối thủ của dệt may Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… cũng tăng tốc và có nhiều nỗ lực để bù đắp những thiếu hụt về kim ngạch trong năm 2021. Điều này làm gia tăng mức độ cạnh tranh của dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế.

————————————————

 
 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.