CÁC “ÔNG LỚN” NGÀNH NGÂN HÀNG TRONG CUỘC ĐUA MIỄN PHÍ GIAO DỊCH 2022

 

Đang lãi hàng nghìn tỷ từ dịch vụ thanh toán, vì sao các “ông lớn” trong ngành ngân hàng lại đưa ra chính sách miễn phí giao dịch online? Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngành ngân hàng trong năm 2022?

 

 

 

 

 

Sự nhập cuộc của các “ông lớn” quốc doanh vào nhóm “zero-fee”

 

“Zero fee” – miễn phí giao dịch – không phải là một khái niệm mới mà đã được nhiều ngân hàng thực hiện từ nhiều năm trước. Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được xem là “nhà tiên phong” dẫn dắt xu hướng này khi bắt đầu áp dụng chính sách này từ năm 2016. Sau đó, một vài ngân hàng tư nhân khác cũng tham gia vào chính sách “zero fee” như  MB, TPBank, VPBank, MSB… Còn lại, phần lớn các ngân hàng trên thị trường cũng có chính sách miễn phí chuyển tiền, nhưng vẫn yêu cầu đăng ký gói tài khoản với điều kiện về số dư và giao dịch kèm theo.

 

Giữa tháng 5/2021, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) – “ông lớn” trong ngành đã mở đầu cuộc đua chen chân vào nhóm “zero-fee” khi thông báo miễn phí chuyển tiền trực tuyến cho tất cả khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số mà không yêu cầu điều kiện kèm theo. Nối tiếp Agribank, những ngân hàng còn lại trong nhóm BIG 4, bao gồm Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) vừa ngừng thu phí cả 2 dịch vụ chuyển tiền online và duy trì dịch vụ ngân hàng số từ đầu 2022. Riêng Vietinbank, dưới sức ép cạnh tranh đó, cũng miễn phí thêm cả phí duy trì tài khoản từ đầu năm 2022 dù trước đó đã miễn toàn bộ phí chuyển khoản. 

 

Như vậy, bắt đầu từ đầu năm 2022, cả 4 “ông lớn” quốc doanh đều ngừng thu phí chuyển tiền online áp dụng cho tất cả khách hàng cá nhân. Theo đánh giá của giới ngân hàng, sự nhập cuộc của nhóm BIG 4 quốc doanh chiếm thị phần lớn nhất thị trường, sẽ khiến mức độ cạnh tranh trên thị trường ngành ngân hàng năm 2022 căng thẳng hơn. Đặc biệt với trường hợp của Vietcombank (VCB) – ngân hàng tiên phong và trung thành với chiến lược thu phí lâu nay, đã thu hút sự chú ý của công chúng và các chuyên gia trong ngành.

 

Cụ thể, chính sách mới của VCB sẽ miễn phí hoàn toàn cho các giao dịch chuyển tiền trên kênh ngân hàng số VCB Digibank, miễn phí duy trì dịch vụ VCB Digibank và phí quản lý 01 tài khoản mặc định đăng ký VCB Digibank từ 01/01/2022. 

 

vcb-mien-phi-giao-dich-nganh-ngan-hang-2022

 

Đây là bước đi mới, gây bất ngờ của VCB khi khoản thu từ dịch vụ thanh toán luôn chiếm từ  60 – 70% tổng thu nhập hoạt động dịch vụ của VCB. Số liệu từ báo cáo tài chính của VCB cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2020, khoản thu từ dịch vụ thanh toán (với sự đóng góp chính của các loại phí chuyển khoản) đã tăng hơn 2.2 lần từ mức 2,744 tỷ vào năm 2016 lên 6,155 tỷ đồng trong năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Vietcombank không công bố chi tiết khoản thu từ hoạt động thanh toán. Tuy nhiên với tỷ trọng đóng góp dao động 45 – 55% lãi thuần hoạt động dịch vụ, ước tính Vietcombank có thể thu về khoản lãi thuần 2,000 – 2,500 tỷ từ dịch vụ này trong 9 tháng đầu năm 2021.

 

Lý do nào để các “ông lớn” ngân hàng tham gia chính sách “zero-fee”?

 

Có thể thấy, các khoản thu phí từ hoạt động giao dịch thanh toán đóng góp một phần không nhỏ trong khoản lãi của VCB nói riêng và các ngân hàng không nằm trong nhóm “zero-fee” nói chung. Vậy nguyên do nào khiến cả nhóm BIG 4 cũng phải tham gia vào cuộc đua miễn phí giao dịch?

 

Áp dụng chính sách “zero-fee” là được coi là hướng đi giúp các ngân hàng nhằm thực hiện mục tiêu tăng quy mô khách hàng cũng như tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) – loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ 0.1%/năm. Tỷ lệ CASA càng lớn cho thấy ngân hàng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Mặt khác, tỷ lệ này cũng gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích trong thu hút và tạo nền tảng khách hàng.

 

Với trường hợp của VCB, cơ cấu tiền gửi giá rẻ thường chiếm đến gần 50% trong tổng huy động vốn. Với lợi thế đó, Vietcombank đang là một trong 3 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất ngành, chỉ sau Techcombank và MB. Tuy nhiên ”ông lớn” này đang dần bị hai ngân hàng đứng trước bỏ xa, đồng thời bị các nhà băng phía sau gây sức ép khi liên tục đưa ra các chính sách miễn phí dịch vụ. Tính đến cuối tháng 9/2021, tỷ lệ CASA của VCB chỉ ở mức hơn 31%, thấp hơn khá nhiều so với MB (37%) và Techcombank (49%).

 

Không chỉ VCB, sự nhập cuộc với chính sách ‘zero fee’ của các ngân hàng không chỉ giúp chính các ngân hàng hưởng lợi mà còn mang lại lợi ích cho khách hàng, phù hợp với xu thế chuyển đổi số, và cũng giúp tiết giảm được chi phí in ấn lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế.

 

Ngành ngân hàng sẽ thế nào trong năm 2022?

Công nghệ đang từng bước thâm nhập ngành ngân hàng

Sự xâm nhập của công nghệ thông tin vào cung ứng dịch vụ tài chính làm thay đổi căn bản bộ mặt ngành ngân hàng. Công nghệ số đang dần khiến các ngân hàng thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống trên toàn cầu. Trong đó, phải kể đến:

 

  • Ngân hàng tự động (TPB livebank, MB smart bank): khách hàng có thể mở thẻ, nạp, rút tiền bằng vân tay mà không cần trực tiếp ra ngân hàng
  • eKYC – công nghệ xác minh nhận dạng từ xa: cho phép các ngân hàng định danh khách hàng 100% online, đơn giản hóa các thủ tục xác minh giấy tờ, xác minh sinh trắc học mà không cần gặp mặt trực tiếp tại phòng giao dịch
  • Robot thực hiện tự động hóa các thao tác đơn giản : hỗ trợ các ngân hàng giảm thiểu các công việc thủ công, cung cấp khả năng tuân thủ tốt hơn, giảm thiểu rủi ro và nâng cao trải nghiệm tổng thể của người tiêu dùng.
  • Nền tảng Corebanking mở – Open API: Các ngân hàng mở giao diện lập trình ứng dụng (API), cho phép các bên thứ ba truy cập thông tin tài chính cần thiết để phát triển các ứng dụng và dịch vụ mới, đồng thời cung cấp cho chủ tài khoản/người dùng các tùy chọn minh bạch hơn về tài chính.

 

xu-huong-mien-phi-giao-dich-nganh-ngan-hang-2022

 

 

Ngoài ra, sự xuất hiện của “hệ sinh thái” Fintech (Financial technology) cũng được dự báo sẽ là xu thế mới trong năm 2022. Công ty Fintech là các công ty công nghệ (IT) chuyên nghiên cứu, triển khai và  cung cấp các sản phẩm dịch vụ công nghệ cho lĩnh vực tài chính ngân hàng. Do vậy, ngân hàng có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ của công ty Fintech thay vì trực tiếp đầu tư nhân lực, tài chính, để nghiên cứu áp dụng IT vào hệ thống, tạo nên lợi thế cạnh tranh với các định chế tài chính khác. 

 

Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực

Tốc độ tăng trưởng: Các chuyên gia dự báo nhu cầu tín dụng duy trì tích cực, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 13 – 15% năm 2022. Nhóm ngân hàng có hệ số an toàn vốn CAR cao và có mô hình hoạt động năng động sẽ tiếp tục được cấp mức room tín dụng cao hơn trung bình ngành.

 

Biên lãi ròng NIM: có thể được cải thiện trong thời gian tới do tỷ lệ CASA được tối ưu khi các ngân hàng miễn phí giao dịch. Tuy nhiên, trong dài hạn, NIM có thể bắt đầu suy giảm nhẹ ở giai đoạn sau đó. Các chuyên gia trong ngành đưa ra dự báo:

 

  • Đối với nhóm ngân hàng tư nhân, NIM sẽ giảm 0.1 – 0.2% trong năm 2022. Các ngân hàng cải thiện chi phí vốn, tối ưu CASA thậm chí sẽ có mức giảm ít hơn.
  • Nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, nhưng có thể cải thiện mạnh mẽ trong trường hợp dừng triển khai các gói hỗ trợ lãi suất.

 

Nợ xấu và nợ tái cơ cấu: phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh. Tuy nhiên, các ngân hàng được đánh giá chất lượng tài sản tốt sẽ không phải chịu nhiều áp lực về trích lập. Do đó, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng tích cực trong năm 2022. Tuy nhiên sẽ có mức độ phân hóa rõ rệt với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ được chi phí vốn.

————————————————

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.