C.E.O Group lỗ hơn 100 tỷ năm 2020 và kỳ vọng vực dậy từ du lịch Phú Quốc

Tập đoàn C.E.O (C.E.O Group) thành lập từ năm 2001, tiền thân là Công ty TNHH Thương mại, Xây dựng và Công nghệ Việt Nam (VITECO). Sau 6 năm hoạt động và phát triển, vốn điều lệ cán mốc 100 tỷ đồng, C.E.O quyết định chuyển đổi từ mô hình TNHH sang hình thức cổ phần, thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư C.E.O. 

Năm 2015, tập đoàn lấy tên chính thức là Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O, sở hữu vốn điều lệ hơn 1.5 nghìn tỷ đồng và tổng tài sản lên đến 8 nghìn tỷ đồng.

Nguồn: VIRAC

Mô hình kinh doanh

CEO là doanh nghiệp tập trung phát triển Bất động sản Du lịch, sở hữu những vị trí rất đắc địa tại các khu vực đang hấp dẫn với tiềm năng du lịch lớn. Hiện C.E.O hoạt động chính ở 3 mảng bao gồm: Bất Động Sản, Quản lý Khách sạn, và Đào tạo cung ứng nhân lực trong ngành.

Ở mảng Bất động sản, CEO hiện sở hữu quỹ đất lớn tại các địa bàn rất tiềm năng như Hà Nội, Hà Nam, Phú Quốc, Quảng Ninh, Nha Trang, Quảng Bình, Cần Thơ, … đảm bảo dư địa phát triển trong dài hạn. Công ty dự định sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 3,000 – 5,000 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao quốc tế và đạt 1 triệu m2 sàn xây dựng vào năm 2021.

Hiện tại C.E.O Group đang sở hữu và khai thác quỹ đất lớn nhất tại Phú Quốc với tổng giá trị là 450ha, khu vực Cái Rồng (Vân Đồn – Quảng Ninh) với 300ha và Hà Nam 126ha. Tổ hợp Khu nghỉ dưỡng 5 sao Novotel Villas thuộc quyền sở hữu của tập đoàn là biệt thự nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế đầu tiên trên thế giới tại Phú Quốc, năm 2019 được Tạp chí du lịch Wanderlust Tips bầu chọn là khu nghỉ dưỡng tốt nhất dành cho gia đình.

Về quản lý Khách sạn và mô hình nghỉ dưỡng, ngoài thương vụ hợp tác với Novotel và hiện đang vận hành với tỷ lệ lấp đầy trên 70%, C.E.O cũng đang phát triển thương hiệu riêng cho mình là Sonasea. Sonasea Vân Đồn và Sonasea Premier Nha Trang sẽ được đưa vào hoạt động trong các năm tới.

Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng chuỗi kinh doanh khép kín, mặc dù mảng đào tạo mang lại tỷ trọng không nhiều cho công ty, C.E.O vẫn tiếp tục cố gắng trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực trên con đường xây dựng thương hiệu Sonasea cho riêng mình.

Đánh giá kết quả hoạt động tài chính của công ty

Doanh thu trong giai đoạn 2017 – 2019 được duy trì bền vững, cụ thể doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2019 của công ty mẹ ghi nhận 1,113 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 32.88% so với năm 2018 và 187.57% so với năm 2017. Cùng với đó, lợi nhuận gộp của công ty trong năm 2019 đón nhận mức tăng trưởng rõ rệt, đạt 452.75 tỷ đồng , tăng lần lượt 85.52% và 306.47% so với 2018 và 2017.


Nguồn: VIRAC

Năm 2018, tài sản C.E.O đạt ngưỡng 2,552 tỷ đồng, phần lớn được phân bổ vào hàng tồn kho với 560 tỷ đồng và các khoản đầu tư vào công ty con trị giá 1,131 tỷ đồng.

 Nguồn: VIRAC tổng hợp

Bước sang giai đoạn 2019, doanh thu tiếp tục tăng trưởng 32.88%, bên cạnh hàng tồn kho giảm mạnh thì C.E.O cũng tích cực tăng các khoản đầu tư vào các công ty con để đẩy mạnh xây dựng các dự án trong tương lai. Kết quả tập đoàn chi 2,419 tỷ đồng vào các công ty thành viên, tăng gấp đôi so với 2018. 

 Nguồn: VIRAC tổng hợp

Cũng trong giai đoạn này tập đoàn đã trả hết hơn một nửa số nợ tồn đọng từ 2 năm trước, chứng minh nguồn vốn của doanh nghiệp đang được sử dụng một cách hiệu quả và tình hình kinh doanh trên đà khởi sắc.

Tác động của đại dịch COVID – 19 ảnh hưởng nặng nề đến C.E.O Group, đặc biệt ở mảng BĐS du lịch và nghỉ dưỡng

Do tác động mạnh của đại dịch Covid-19, cùng với phần lớn danh mục kinh doanh của CEO là bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch, lũy kế từ đầu năm đến nay, CEO Group doanh thu chỉ đạt 290 tỷ đồng, giảm mạnh so với 1,024 tỷ đồng so với cùng giai đoạn năm 2019.

Thực tế cho thấy, thị trường chịu ảnh hưởng nặng nhất là bán lẻ và nghỉ dưỡng, đặc biệt là một số phân khúc như bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng hạng sang và những dịch vụ phụ thuộc vào nguồn du khách nước ngoài. Tính đến quý II/2020, doanh nghiệp ghi nhận lỗ 112 tỷ đồng, tính lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp lỗ 110 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2020, tổng tài sản của Tập đoàn CEO đạt 7,843 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp giảm 35% xuống 130 tỷ đồng, riêng tiền mặt tăng 50%.

Điểm sáng trong thời gian cuối năm

Trong thời gian tới 2021, CEO sẽ vẫn tiếp tục tập trung triển khai các dự án trọng điểm như Sonasea Vân Đồn Harbour City, River Silk City, CEO Mê Linh, Sonasea Villa & Resort. Với tình trạng dịch bệnh được kiểm soát tốt ở Việt Nam, CEO có thể kỳ vọng tình trạng kinh doanh sớm được phục hồi trong thời gian tới.

Một trong những giải pháp được doanh nghiệp sớm đưa vào thực hiện là cắt giảm các chi phí không thiết yếu. Bên cạnh đó, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thi công công trình, bàn giao sản phẩm cho khách hàng và thúc đẩy kinh doanh được đẩy mạnh. Các dự án trọng điểm tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Hà Nội và Hà Nam,… tiếp tục được ưu tiên triển khai. Mới đây nhất, phân khu Singapore Shoptel thuộc dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City chính thức ra mắt từ tháng 7/2020 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khách hàng.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng được sắp xếp hợp lý hóa bằng việc đảm bảo con người lẫn cơ sở vật chất ở trạng thái tốt nhất để sẵn sàng “bật dậy” bứt phá ngay khi thị trường ổn định và hồi phục.  

Đồng thời, Tập đoàn CEO chú trọng hoàn thiện và áp dụng mô hình quản trị mới, xây dựng và chuẩn hóa các quy trình để nâng cao hiệu quả quản lý; đẩy nhanh chuyển đổi số, số hóa dữ liệu và áp dụng các công nghệ phù hợp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh, marketing; nghiên cứu, đầu tư phát triển các lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ mới tạo thế chủ động và linh hoạt trong điều kiện mới.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.