Ảnh hưởng của các hiệp định thương mại tự do đến hoạt động xuất khẩu hóa chất của Việt Nam

Tình hình xuất khẩu hóa chất của Việt Nam những năm gần đây

Trong năm 2019 giá trị xuất khẩu của ngành hóa chất đóng góp khoảng 3.2 tỷ USD, chiếm khoảng 1.21% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Ảnh hưởng của các FTAs đến xuất khẩu hóa chất của Việt Nam

Nguồn: VIRAC, TCHQ 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hóa chất và sản phẩm hóa chất trong Q1/2020 đạt khoảng 803 triệu USD. Trong đó xuất khẩu hóa chất đạt 472.4 triệu USD, giảm 2.2% so với cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm hóa chất đạt 331 triệu USD, tăng 11.9% so với cùng kỳ năm 2019. 

Ảnh hưởng của các hiệp định thương mại tự do đến hoạt động xuất khẩu hóa chất của Việt Nam

Nguồn: VIRAC tổng hợp

Hóa chất xuất khẩu từ Việt Nam chiếm 1% tổng lượng xuất khẩu hóa chất trên toàn thế giới, theo số liệu từ năm 2019 của ITC. Các quốc gia nhập khẩu hóa chất lớn nhất của Việt Nam bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, chiếm khoảng 55% tổng giá trị xuất khẩu. 

Ảnh hưởng của những FTAs đến xuất khẩu hóa chất sang các thị trường chủ đạo

Thị trường Trung Quốc

Trong năm 2018, tiêu thụ hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất của Trung Quốc đạt 1.26 nghìn tỷ USD, trong đó hóa chất nhập khẩu từ Việt Nam chỉ đạt 576 triệu USD. Các dòng hóa chất hữu cơ như hidrocacbon, phenol, kháng sinh… được sử dụng để làm dung môi, hóa chất nguyên liệu thô được nhập khẩu chủ yếu vào thị trường này. 83% hóa chất hữu cơ xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc thuộc dòng sản phẩm trên, nhưng chỉ chiếm 0.9% kim ngạch nhập khẩu hóa chất của Trung Quốc. 

Trên thực tế, mức thuế ưu đãi được áp dụng cho các sản phẩm hóa chất đã giảm về 0% theo hiệp định thương mại của Trung Quốc và ASEAN (ACFTA). Tuy nhiên những yêu cầu nhập khẩu bắt buộc như hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), quy định về chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ… mới là trở ngại lớn cho doanh nghiệp Việt. 

Theo số liệu thống kê từ ITC, Trung Quốc hiện đang áp dụng 9 biện pháp phi thuế quan lên các loại sản phẩm hóa chất nhập khẩu từ Việt Nam, bao gồm yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật TBT, kiểm dịch thực vật SPS, quy định về sự tương hợp, dán nhãn sản phẩm…. 

Thị trường Nhật Bản

Cũng như Trung Quốc, loại hóa chất hữu cơ được Nhật Bản tiêu thụ và nhập khẩu nhiều hơn cả. Các dòng sản phẩm phổ biến là hợp chất của heterocyclic, nucleic acid, este… phục vụ cho ngành dược phẩm, nông nghiệp là chủ yếu. Tuy nhiên lượng hóa chất xuất khẩu sang Nhật Bản của Việt Nam phần lớn là hóa chất vô cơ và sản phẩm của nó. Tiềm năng để xuất khẩu các sản phẩm hóa chất hữu cơ còn bị bỏ ngỏ, bởi những rào cản phi thuế quan hiện nay Nhật Bản đang áp dụng lên hóa chất hữu cơ Việt Nam nhập khẩu còn phức tạp.

Hiện nay Nhật Bản áp dụng trung bình hơn 33 biện pháp phi thuế quan khác nhau cho các dòng sản phẩm thuộc nhóm ngành hóa chất, đặc biệt nghiêm ngặt với nhóm hóa chất trong ngành dược phẩm và nông nghiệp. Những biện pháp phi thuế quan bao gồm quy định về bao bì, dán nhãn hàng hóa (TBT), truy xuất nguồn gốc, mức độ an toàn… được quy định trong tiêu chuẩn Thực hành Chất lượng tốt (Good Quality Practices – GQP) được ban hành bởi Bộ Y Tế.

Tác động của RCEP đến hoạt động xuất khẩu hóa chất của Việt Nam

Trong tương lai, khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết, đây sẽ là một cơ hội lớn cho các nước trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. RCEP chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ. Không như những hiệp định thương mại khác, RCEP không yêu cầu các nước thành viên phải tự do hóa nền kinh tế, bảo vệ quyền lao động hay các tiêu chuẩn môi trường, cũng như không yêu cầu phải bảo hộ sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, RCEP không chỉ đảm bảo mức thuế quan ưu đãi hầu hết cho các dòng sản phẩm mà còn giảm số lượng rào cản phi thuế quan, vốn mới chính là những khó khăn thực sự với doanh nghiệp xuất khẩu.

Hiện tại có một số hàng rào phi thuế quan (NTBs) được ban hành bởi các quốc gia RCEP. Các NTB phổ biến nhất trong ngành hóa chất là các biện pháp vệ sinh và vệ sinh (SPS), nhằm bảo vệ con người, động vật và thực vật khỏi các chất gây nguy hiểm, và các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT). Những rào cản này có thể áp dụng song phương, đa phương, liên hoặc nội khối ASEAN. Nhìn chung, các nước ASEAN phải chịu ít rào cản phi thuế quan hơn các nước ngoài ASEAN. Điều đó tạo điều kiện cho Việt Nam trong tương lai khi RCEP có hiệu lực thì số lượng các biện pháp phi thuế quan vào các thị trường lớn như Trung Quốc và Nhật Bản sẽ giảm và bớt nghiêm ngặt hơn.

Tác động của EVFTA đến xuất khẩu hóa chất vào thị trường EU

Tuy là những khu vực xuất khẩu hóa chất truyền thống, từ năm 2014 xuất khẩu hóa chất của châu Âu đã ngày càng giảm. Khi các luật bảo vệ môi trường tại khu vực này trở nên chặt chẽ hơn và chi phí xây dựng nhà máy tăng, vị thế chi phối của công nghiệp hóa chất đã dần dịch chuyển sang châu Á và Trung Đông. Công nghiệp hóa chất châu Âu tiếp tục chịu ảnh hưởng bất lợi của những quy định luật pháp chặt chẽ và sự suy yếu của Liên minh Châu Âu. 

Chính vì vậy, dưới tác động của EVFTA, kỳ vọng EU sẽ tăng nhập khẩu hóa chất và các sản phẩm hóa chất từ Việt Nam nhiều hơn khi đặt ra mức thuế quan 0% cho hầu hết các loại hóa chất nhập khẩu. Tuy nhiên EU cũng đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt trong việc quản lý và xử lý hóa chất và hàng hóa chứa hàm lượng hóa chất cao, tiêu biểu là quy định REACH.

Quy định REACH- luật hóa chất mới của EU

Luật hóa chất này đã được áp dụng trong nội khối và ở nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành cơ sở cũng như định hướng cho quốc tế về hóa chất và sử dụng hóa chất. Quy định này được thực hiện ở nhiều giai đoạn trong 10 năm, với danh mục bắt buộc khai báo bao gồm các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp, liên quan đến hàng tiêu dùng, như hóa chất, nhuộm, in,… 

Theo quy định mới của REACH, các chất được nhập khẩu vào EU với số lượng 1 tấn/năm hoặc nhiều hơn sẽ phải đăng ký. Quy định này liên quan trực tiếp đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng hóa chất.

Trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu được kỳ vọng sẽ khả quan hơn trong bối cảnh nhiều quốc gia đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế do dịch bệnh. Bên cạnh đó, xuất khẩu hóa chất cũng được kỳ vọng tăng trưởng nhanh nhờ tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết đặc biệt là EVFTA và RCEP.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.