Ngành chế biến thực phẩm: Cơ hội để phát triển

Trong Q1/2020, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản đã qua chế biến và bảo quản đạt 14.1 triệu USD, sản phẩm chế biến từ thịt ước đạt 6.38 triệu USD, giảm lần lượt 5% và 16% so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của Covid-19 khiến hoạt động giao thương bị gián đoạn, nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng giảm mạnh.

Tổng lượng hàng nông, hải sản, thực phẩm chế biến tồn kho Q1/2020 lên đến hơn 48,000 tấn. Tồn kho nhiều nhất về số lượng có các mặt hàng cà phê, tiêu, điều với trên 43,000 tấn ước tính trị giá 50 tỷ đồng và sản phẩm hải sản chủ yếu là tôm, tồn kho trên 1,000 tấn trị giá 35 tỷ đồng. Ngành sản xuất chế biến thực phẩm là một trong 6 ngành công nghiệp có chỉ số tồn kho lớn nhất, ghi nhận con số 96% qua 6 tháng đầu năm 2020.

Các thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam không có nhiều tín hiệu tích cực, như Trung Quốc giảm 12%; thị trường Hàn Quốc tăng 2.4%, thị trường Hoa Kỳ tăng 5.7%. Điều này càng áp lực lớn lên ngành sản xuất này, đòi hỏi thúc đẩy vai trò của công nghệ chế biến, bảo quản nông sản để gia tăng giá trị xuất khẩu, vực lại nền kinh tế sau đại dịch.

Sản lượng sản xuất phục vụ xuất khẩu 

Thủy hải sản chế biến

Trong Q1/2020, sản lượng sản xuất thủy hải sản khô ước đạt 20.4 nghìn tấn, giảm tương đương 4% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, sản xuất thủy hải sản khô chủ yếu được thực hiện bởi các xưởng sản xuất, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có quy mô hộ gia đình do vậy, thiếu nguồn nguyên liệu để chế biến hải sản khô đó là tình trạng chung của những cơ sở sản xuất nhỏ và vừa.

Nguồn: VIRAC, GSO

Sản lượng thủy sản đóng hộp trong Q1/2020 ước đạt 43.2 nghìn tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019, sản phẩm chủ lực của nhóm này là cá ngừ đóng hộp được sản xuất chủ yếu để xuất khẩu sang Mỹ, EU. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ sang nhiều thị trường khác cũng tăng trưởng rất ấn tượng, nhất là tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, Mexico.

Nguồn: VIRAC, GSO

Chế biến thịt hộp và các sản phẩm khác từ thịt

Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ thịt trong Q1/2020 đạt 3.2 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến trong năm 2020, giá trị xuất khẩu thịt gà chế biến sẽ còn tiếp tục tăng. Theo kế hoạch, Công ty TNHH Koyu & Unitek tại Đồng Nai sẽ xuất khẩu khoảng 3,600 tấn thịt gà chế biến với tổng giá trị khoảng 20 triệu USD. Bên cạnh đó, C.P Việt Nam xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Nhật Bản vào tháng 6/2020 và sẽ mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác.

Nguồn: VIRAC, Uncomtrade

Vissan là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thịt chế biến hàng đầu tại Việt Nam, trong năm 2019, doanh thu từ mảng xuất khẩu của công ty đạt hơn 530 nghìn USD. Hiện nay, Công ty đang phát triển thêm một số mặt hàng mới và thị trường mới như cá xốt cà (Nhật Bản), chả giò chay (Mỹ), dăm bông và chả lụa (Singapore), mắm chưng (Úc) và tiếp tục chào hàng cho các mặt hàng khác, thị trường khác.

Ngành chế biến thực phẩm trước làn sóng Covid-19 thứ 2

Do tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Đến thời điểm này, đa số các doanh nghiệp đã bị sụt giảm 35 – 50% đơn hàng do bị hủy, lùi đơn hàng hay thiếu nguyên liệu. Mọi giao dịch đã tạm ngừng để ngăn chặn nguy cơ đại dịch bùng phát mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, đe dọa sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu phục vụ chế biến. Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa thật sự hình thành một nền nông nghiệp lớn theo hướng hiện đại. Nguyên liệu phục vụ chế biến chất lượng thấp, không đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm đang là thách thức lớn.

Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến tốt không chỉ giúp ngành nông sản phục hồi sau đại dịch mà còn sớm đạt mục tiêu tăng trưởng mạnh. Đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu; đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.

Xu hướng chủ đạo ngành thực phẩm trong năm 2020 

Làn sóng M&A của các công ty thực phẩm trong ngành 

Hoạt động M&A trong ngành thực phẩm – đồ uống diễn ra rất sôi động trong thời gian qua, cả về số lượng và chất lượng, tạo nên những “ông lớn” của ngành thực phẩm – đồ uống, điển hình như Masan, Thành Thành Công, Kido, Pan Group… Các tên tuổi lớn trong ngành FMCG đến từ Thái Lan, Hàn Quốc với lợi thế về tài chính, kinh nghiệm và công nghệ cũng tích cực đầu tư vào Việt Nam. Theo nghiên cứu của BMI, cơ hội đầu tư cho ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam vẫn còn khá lớn, đặc biệt trong ngành đồ uống, thực phẩm chế biến và sữa.

Xu hướng ăn tại nhà gia tăng 

Theo công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, người tiêu dùng muốn dành thời gian ở nhà vì những lý do như “truyền thông trực tuyến, làm việc tại nhà, nhu cầu ở nơi thoải mái và tránh xa chỗ công cộng ồn ào.” Với những người muốn nấu nướng nhưng cũng muốn tiện lợi, các loại thức ăn chế biến sẵn hoặc đã được sơ chế được ưa chuộng, Vinmart Cook hiện là nhãn hàng được ưa chuộng trong phân khúc này. Các sản phẩm được phân phối thông qua chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+. 

Giao hàng là động lực tăng trưởng 

Khi lối sống bận rộn trở thành điểm chung của người tiêu dùng, các bữa ăn giao tới nhà và chỗ làm đã trở thành dịch vụ cơ bản quan trọng nhất trên thực đơn của ngành nhà hàng. Nhu cầu giao hàng cũng đang thúc đẩy các công ty thiết kế bao bì mới hoặc thiết lập không gian bếp ảo (ghost kitchen), dịch vụ thức ăn chỉ dành cho giao hàng. Nhu cầu giao thức ăn đồng nghĩa đem lại sự phát triển cho các công ty giao hàng như Now, Grab Food và Be trên thị trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.