Câu chuyện ngành cao su thiên nhiên Việt Nam: “vàng trắng” hay mất trắng?

Trong nhiều thập kỉ trở lại đây, cao su đang trở thành một cây công nghiệp chủ lực, thu hút được nhiều người trồng bởi giá trị kinh tế to lớn và lợi nhuận cao. Bằng chứng là sản lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam trong những năm qua tăng khá mạnh, đứng ở vị trí thứ tư trên thế giới về xuất khẩu mặt hàng này. Vị thế của ngành cao su Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định.

Trở lại giai đoạn 2005-2011, giá mủ cao su liên tiếp lập những kỉ lục mới, Vào thời điểm tháng 5 năm 2011, tại Bình Phước, giá mủ cao su được các tiểu thương thu mua trực tiếp tại phần cây của người dân với giá kỉ lục khoảng 36.000 đồng/1 lít mủ tươi và khoảng 43.000 đồng/kg mủ tạp. Điều này dẫn tới việc  người dân tại vùng Đông Nam Bộ đổ xô vào trồng cây cao su và ôm giấc mộng “vàng trắng” mãnh liệt hơn bao giờ hết. Thậm chí, giấc mộng này còn lan rộng sang vùng núi phía Bắc, điển hình là việc cây cao su bắt đầu được trồng thí điểm ở miền núi phía Bắc (năm 2005) dù các nhà khoa học đã chỉ rõ cây cao su không thích hợp để trồng ở Tây Bắc cũng như Đông Bắc do khí hậu quá lạnh và giống cây không phù hợp.

Tuy nhiên, kể từ tháng 2/2011, giá cao su thiên nhiên liên tục sụt giảm do nguồn cung cao su vượt quá nhu cầu và phụ thuộc thị trường thế giới. Giá mủ loại cây này liên tục lao dốc  đã đẩy nông dân rơi vào thua lỗ. Tại thời điểm năm 2012, giá mủ khô có lúc ở mức 50.000 đồng/kg nhưng tới tháng 1 năm 2015 chỉ khoảng 18.000 đồng/kg. Tới cuối năm 2015, tại tỉnh Bình Thuận, giá mủ cao su dao động từ 5.000 – 7.000 đồng/kg, thấp hơn 3 – 4 lần so với những năm trước. Với mức giá như vậy, người trồng cao su khó thoát khỏi thảm cảnh thua lỗ.

Sau gần 10 năm “Bắc tiến” (tính từ năm 2006 bắt đầu thí điểm trồng 3.000ha), cây cao su vẫn chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế, trong khi hàng nghìn hộ nông dân tại phía Nam lại khóc dở mếu dở vì trót đặt cược sinh kế với loài cây được mệnh danh là “vàng trắng” này.

Tuy nhiên tín hiệu đáng mừng là giá cao su thiên nhiên bình quân quý I/2017 trên các thị trường đã tăng 30 – 42% so với giá bình quân quý IV/2016. Các chuyên gia trong ngành đều lạc quan rằng, giá cao su sẽ bắt đầu tăng từ năm 2017 nhờ nền kinh tế thế giới phục hồi và cầu thậm chí được cho là sẽ vượt cung. Đây là tín hiệu vui đối với ngành cao su. Tuy nhiên, ngành cao su sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

 

Mặc dù mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng triệu tấn cao su, nhưng chủ yếu xuất ở dạng thô, sau đó lại phải nhập về khoảng 300.000 tấn cao su phục vụ nhu cầu chế biến. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, cao su trong nước không đồng đều về chất lượng . Do đó, dù nhiều khi giá cao su trong nước rẻ hơn, doanh nghiệp vẫn lựa chọn nhập nguyên liệu từ nước ngoài.

Trước những thực trạng trên, ngành cao su thiên nhiên đòi hỏi phải có những quyết sách đúng đắn, cái nhìn toàn diện và tầm nhìn xa hơn nữa để thoát khỏi những khó khăn chồng chất trước mắt, phát huy được tiềm năng và giữ vững vai trò ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.