NGÀNH ĐIỆN 2021: GIÁ ĐIỆN VẪN CAO TRONG ĐỈNH NẮNG NÓNG

‘Ngành điện trong thời gian vừa qua gặp phải tình cảnh nguồn cung vượt quá cầu nhưng giá điện vẫn duy trì ở mức cũ, thậm chí còn nhỉnh hơn so với trước kia. Nguyên nhân nào đã dẫn tới tình trạng này?’

Tình hình cung – cầu ngành điện

Nhu cầu sử dụng điện thời gian qua tăng mạnh

Trong thời gian vừa qua, nắng nóng kéo dài khiến mức tiêu thụ điện toàn quốc liên tục xác lập những đỉnh kỷ lục mới. Nhiều đợt nắng nóng xuất hiện ở nhiều nơi, đặc biệt là các tỉnh Bắc Bộ khi nhiệt độ phổ biến dao động từ 35-37 độ. Tình hình nắng nóng làm cho mức độ tiêu thụ điện năng của các hộ gia đình dành cho các thiết bị làm mát như điều hòa và quạt tăng mạnh. Lượng điện tiêu thụ liên tục đạt đình mới với điển hình là trưa ngày 18/6 đạt 41,709 MW và 42,146 MW vào trưa ngày 21/6. Đặc biệt, khu vực nắng nóng nhất là Miền Bắc và Hà Nội cũng đạt mức đỉnh mới với công suất 18,700 MW và 4,700 MW.

Thị trường điện quý 2

Nguồn: VIRAC, EVN

Nguồn cung ngành điện dồi dào

Trong Q1 và Q2/2021, lượng điện sản xuất có dấu hiệu cung vượt cầu. Điều này là do sản lượng điện tái tạo có mức tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn EVN cũng đang chủ động hơn trong việc cung cấp điện khi mức điện nhập khẩu trong quý giảm mạnh. Cụ thể, theo báo cáo của tập đoàn EVN vào tháng 5/2021:

    • Thủy điện đạt 24.01 tỷ kWh, tăng 52.7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 22.9% tổng sản lượng điện sản xuất.
    • Nhiệt điện than đạt 54.13 tỷ kWh, giảm 6.8% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 51.7% tổng sản lượng điện sản xuất.
    • Tua bin khí đạt 13.28 tỷ kWh, giảm 16.8% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 12.7% tổng sản lượng điện sản xuất.
    • Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 12.35 tỷ kWh, tăng 159.5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 11.8% tổng sản lượng điện sản xuất (riêng điện mặt trời đạt 11.48 tỷ kWh, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ).
    • Nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 2 triệu kWh.
    • Điện nhập khẩu đạt 556 triệu kWh, giảm 67% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 0.5% tổng sản lượng điện sản xuất.

Thị trường điện quý 2

Nguồn: VIRAC, MOIT, EVN

Năng lượng điện tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời đang trở thành nguồn bổ sung đáng kể vào tổng sản lượng điện của cả nước, góp phần cân bằng nguồn điện dự phòng. Nếu không có nguồn điện tới từ năng lượng tái tạo, miền Nam và đặc biệt là miền Bắc sẽ gặp phải nguy cơ thiếu điện trầm trọng. 

Dự báo tình hình ngành điện nửa cuối năm 2021

Mức báo lãi của các doanh nghiệp ngành điện quý đầu năm 2021 tăng mạnh

Tính tới hết quý 1 vừa qua, hàng loạt công ty tuyên bố lãi lớn. Dữ liệu từ VietstockFinance về 47 doanh nghiệp (DN) trong ngành điện đã lên sàn cho thấy tổng doanh thu thuần đạt 32,700 tỉ đồng, giảm 14% so quý 1/2020. Tuy nhiên, lãi ròng mà các DN ngành này mang về lên đến 2,900 tỉ đồng, tăng 191% so cùng kỳ năm trước.

Một số DN tiêu biểu có thể nhắc đến như Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) đạt mức lãi ròng 508 tỉ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoặc Tổng công ty phát điện 3 (Genco 3) trực thuộc EVN với 786 tỉ đồng lãi ròng, trong khi cùng kỳ năm trước DN này lỗ 379 tỉ đồng. 

Như vậy, với mức báo lãi cao như vậy và sản lượng điện đang dồi dào, liệu giá điện có giảm?

Câu trả lời có lẽ là không. EVN vẫn duy trì mức giá điện bán lẻ bình quân là 1,864 đồng/kWh chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đây là mức giá áp dụng theo Quyết định 648/QĐ-BCT.

Thị trường điện quý 2

Nguồn: VIRAC, MOIT

Trong cơ cấu giá thành điện của EVN, giá mua điện chiếm từ 75-80%. Tuy chi phí sản xuất điện của EVN có xu hướng giảm dần, nhưng do các nguồn điện giá rẻ như thủy điện có xu hướng tỷ trọng giảm để ưu tiên cho các nguồn khác, nhất là nguồn năng lượng tái tạo (có chi phí cao) như điện mặt trời, điện gió, điện khí… nên chi phí mua điện càng ngày càng tăng.

Hiện tại, điện mặt trời vẫn đang có giá khá cao so với các loại điện khác. Điện mặt trời có giá từ 1,644-2,100 đồng/kWh chưa kể phí truyền tải. Giá thủy điện, nhiệt điện trung bình thấp hơn nhiều. Chưa kể, để có thể tải được lượng điện mặt trời sản xuất trong những thời điểm nắng nóng, EVN buộc phải giảm công suất các nhà máy điện như than, khí và thủy điện để đảm bảo an toàn đường điện. Các tổ máy liên tục phải khởi động/thay đổi công suất qua đó ảnh hưởng tới phạm vi mực nước giới hạn và an ninh cấp điện cuối mùa khô.

Theo Ông Võ Quang Lâm, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVN chỉ còn nắm giữ 23% nguồn điện toàn hệ thống. Do đó, cơ cấu giá thành của toàn hệ thống phụ thuộc vào nhiều nguồn sản xuất điện khác nhau. Các dự án đầu tư, thời điểm, cơ hội đầu tư cũng tác động tới giá điện. Tuy chi phí khâu truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ của EVN giảm nhưng do cơ cấu nguồn sản xuất chiếm tỷ trọng cao nên cũng khó bù đắp để giảm chi phí. Điều này khiến giá điện khó có thể giảm trong nửa cuối năm 2021.

Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo trong cơ cấu ngành điện

Theo ông Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, phát triển điện tái tạo sẽ là xu hướng chính trong thời gian sắp tới do thủy điện hầu như đã hết tiềm năng, nhiệt điện than lại vấp phải các quy định chống biến đổi khí hậu. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng đã tập trung vào việc phát triển nguồn điện tái tạo. Tuy nhiên, ngành điện Việt Nam cần phải cải thiện lại cơ sở hạ tầng như đường dây truyền tải nhằm đảm bảo an toàn mạng lưới, tránh tình trạng quá tải làm hỏng hệ thống điện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.