Vietravel được thành lập năm 1992, tiền thân là Trung tâm Tracodi Tour thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển GTVT (Tracodi). Năm 1995, Trung tâm chính thức phát triển thành doanh nghiệp độc lập với tên gọi Công ty Du lịch và Tiếp thị GTVT (Vietravel), trực thuộc Bộ giao thông vận tải.
Năm 2010, Vietravel chuyển đổi thành Công ty TNHH Một thành viên Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam – Vietravel và đến năm 2014 chính thức chuyển từ hình thức sở hữu Nhà nước sang mô hình Công ty cổ phần.
Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, ngoài trụ sở chính, Vietravel hiện có 30 văn phòng, trung tâm, chi nhánh trong nước và nhận được các danh hiệu của các ngành, cơ quan truyền thông báo chí trong và ngoài nước như: giải thưởng TAA (Tourism Alliance Awards); đạt Giải thưởng “The Friends of Thailand 2010”, báo du lịch hàng đầu Châu Á trao tặng giải thưởng “Best Travel Agency Vietnam 2011”.
Năm 2020 đánh dấu cột mốc 25 năm hình thành và phát triển tiếp tục khẳng định vị thế cùng với chất lượng và uy tín dịch vụ, Vietravel định hướng phát triển đến năm 2030 sẽ trở thành một tập đoàn hàng không – lữ hành hàng đầu khu vực.
Cơ cấu cổ đông có quan hệ mật thiết với Chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ
Ngày 27/9/2019, cổ phiếu VTR của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel đã chính thức giao dịch trên sàn UPCoM huy động vốn thành công cho dự án hàng không Vietravel Airlines. Vốn hóa Vietravel đã tăng thêm hơn 200 tỷ đồng, đạt mức 708 tỷ đồng, vượt mức tối thiểu 700 tỷ đồng để thành lập hãng hàng không khai thác đến 10 máy bay và có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế.
Về cơ cấu cổ đông, hiện Vietravel có 2 cổ đông lớn sở hữu 25.29% vốn điều lệ, trong đó Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Quốc Kỳ, sở hữu hơn 9% và Công ty Dịch vụ du lịch và lữ hành Quốc tế Sài Gòn (SG Travel) sở hữu 16.22% vốn.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ là người sáng lập và là Chủ tịch HĐQT của Vietravel. Ông Kỳ từng có thời gian giữ chức vụ Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Công ty Dịch vụ du lịch và Lữ hành Quốc tế Sài Gòn – SG Travel, đây là đối tác quan trọng của Vietravel do bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh giữ chức vụ chủ tịch điều hành. Bà Khanh là con gái ruột của ông Nguyễn Quốc Kỳ, đồng thời cũng là thành viên HĐQT của Vietravel từ năm 2015.
Một trong thành viên HĐQT của Vietravel còn có ông Nguyễn Lưu. Ông Lưu đóng vai trò là thành viên HĐQT không điều hành và chính là anh trai của ông Nguyễn Quốc Kỳ. Bản thân ông Nguyễn Quốc Kỳ còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch và Thương mại đầu tư Đảo Ngọc Bích – một công ty con của Vietravel. Đây là doanh nghiệp được thành lập tháng 4/2016 với trụ sở chính tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Ngoài ra, 4 thành viên HĐQT kiêm TGĐ Trần Đoàn Thế Duy, Võ Quang Liên Kha, Nguyễn Thị Lê Hương và Nguyễn Minh Ngọc nắm giữ lần lượt 4.20%, 4.19%, 4.18% và 4.11%.
Ngành hàng không Việt Nam hậu Covid-19 và kế hoạch hiện thực hóa giấc mơ bay của Vietravel Airlines
Du lịch Việt Nam được xem là một ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều tiềm năng, đa dạng và phong phú. Năm 2019 là năm thành công của du lịch Việt Nam thể hiện ở các con số thống kê về lượng khách du lịch quốc tế, nội địa, doanh thu đạt được. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tương đối lớn đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó, ngành hàng không bị ảnh hưởng khá nặng nề.
Theo số liệu từ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 9 tháng năm 2020 đạt 3.68 triệu lượt, giảm hơn 67% so với cùng kỳ 2019. Khách du lịch nội địa đạt 37.5 triệu lượt, trong đó có 19.2 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 233,000 tỷ đồng, giảm hơn 53% so với cùng kỳ.
Chỉ tính riêng trong tháng 10, sản lượng điều hành lượt bay trong tháng 10 của cả nước giảm tương đương 37%, ghi nhận con số 263 nghìn chuyến. Năm hãng hàng không Việt Nam đều tụt giảm về số lượng chuyến bay khai thác. Trong đó, Jetstar Pacific giảm mạnh nhất, gần 70% với số chuyến bay 904 chuyến; VietJet Air giảm 61% với tổng chuyến bay khai thác là 4.600 chuyến; Vietnam Airlines giảm 31% với tổng chuyến bay khai thác 7.300 chuyến.
Tuy tình hình Covid 19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng, thị trường nội địa Việt Nam đang dần khôi phục. Các hãng hàng không cũng đang chuẩn bị những phương án nhằm nỗ lực cải thiện tạo sức bật trở lại khi các chuyến bay quốc tế được phục hồi.
Vietravel hiện đang khai thác thị trường khách du lịch từ công ty mẹ, bao gồm cả khách hàng trong nước và nước ngoài. Khách hàng phổ biến của công ty là một số cơ quan tổ chức, đồng thời khai thác thị trường khách tiềm năng là học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó lượng khách hàng thuộc thị trường khách GIT (khách theo tour) và FIT (khách lẻ) đang được đẩy mạnh và duy trì để khai thác triệt để mảng du lịch lữ hành, vận chuyển.
Tiềm lực của Vietravel trước tham vọng lấn sân ngành hàng không
Năm 2018, Vietravel đạt doanh thu 7,233 tỷ đồng và báo lãi sau thuế 58 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 17% và 56% so với năm trước. Công ty đã phục vụ tổng cộng hơn 852 nghìn lượt khách, tăng 8%. Theo thống kê từ 2014 đến 2018, doanh thu Vietravel đều đặn tăng trưởng khoảng 1,000 tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2019, lượng khách Vietravel đạt 891,000 lượt, doanh thu đạt hơn 7,400 tỷ đồng, đóng góp 105 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Doanh thu và lợi nhuận đều tăng nhẹ so với kế hoạch mục tiêu đạt 8,600 tỷ đồng doanh thu và 60.8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Đến quý 2/2020 với doanh thu thuần chỉ là 205 tỷ đồng, chưa bằng 1/10 so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc 6 tháng đàu năm, Vietravel đạt gần 1,000 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 72% so với cùng kỳ. Công ty báo lỗ sau thuế gần 80 tỷ đồng. Năm 2020, Vietravel đặt kế hoạch doanh thu chỉ 3,000 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 60% so với năm trước. Đồng thời, công ty dự kiến sẽ lỗ khoảng 22 tỷ đồng sau nhiều năm liền liên tục có lãi.
Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động kinh doanh của Vietravel, công ty lữ hành lớn nhất cả nước với nguồn thu chính đến từ các tour du lịch quốc tế, bị đình trệ do tác động của Covid-19. Mảng du lịch nước ngoài, vốn chiếm hơn 70% doanh thu của Vietravel từ trước đến nay tiếp tục bị tê liệt vì lệnh cấm bay giữa các quốc gia. Thêm vào đó, dịch Covid-19 trở lại từ cuối tháng 7/2020 với tâm điểm Đà Nẵng, Quảng Nam và diễn biến phức tạp tiếp tục tác động mạnh đến các mảng hoạt động của doanh nghiệp này.
Định hướng phát triển của Vietravel trong vài năm trở lại đây
“Cất cánh” hãng hàng không Vietravel Airlines
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ Giao thông Vận tải kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty TNHH MTV Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), công ty con của Vietravel hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hành khách và hàng hóa hàng không, có vốn điều lệ 700 tỷ đồng.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hồ sơ của Vietravel Airlines đáp ứng các điều kiện để cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (bao gồm cả điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển) đồng thời kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thực hiện các thủ tục tiếp theo để cấp giấy phép cho hãng này.
Theo kế hoạch, mô hình hoạt động của Vietravel Airlines là bay thuê chuyến (charter). Vietravel Airlines đã chuẩn bị đầu tư từ tháng 10/2019, dự kiến bắt đầu khai thác chuyến bay thương mại vào tháng cuối năm 2020 hoặc muộn nhất là nửa đầu năm 2021. Vietravel Airlines định hướng là hãng hàng không vận chuyển hành khách, hàng hóa và bưu kiện phục vụ, phát triển ngành du lịch và các nhu cầu đi lại khác của cộng đồng. Dự kiến khi đi vào hoạt động, Vietravel Airlines khai thác tàu bay A320, A321 hoặc B737 với số lượng 3 chiếc trong năm đầu tiên. Số lượng máy bay khai thác của hãng này sẽ tăng dần và đạt 8 chiếc vào năm thứ 5 khai thác.Vietravel đặt mục tiêu phục vụ 1 triệu lượt khách trong năm đầu tiên, qua đó tạo việc làm cho gần 600 lao động, đóng góp nguồn thu vào ngân sách.
Tập trung phát triển du lịch MICE
Du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác) là thị trường rất đáng quan tâm mà các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc đang đầu tư phát triển với giá trị doanh thu cao gấp sáu lần loại hình du lịch thông thường.
Là một trong những thương hiệu lữ hành lớn tại Việt Nam, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông – Vận tải Việt Nam (Vietravel) đang đi từng bước dài, đầy vững chắc trên thị trường du lịch MICE, một thị trường đầy tiềm năng trong ngành công nghiệp không khói này. Tiếp thu kinh nghiệm từ các nước trong khu vực, Vietravel đẩy mạnh thị trường du lịch MICE trong nước chuyên nghiệp với ưu thế sẵn có từ cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa, hệ thống khách sạn, resort phát triển khá nhanh.
Theo số liệu từ Vietravel, trong 7 tháng đầu năm 2019, công ty đã phục vụ cho hơn 273,000 lượt khách theo hình thức du lịch MICE, trong đó tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa, với 228,000 lượt, chiếm gần 84% tổng số khách MICE. Đối với khách quốc tế, hơn 21,000 lượt khách đến Việt Nam tham quan, kết hợp hội thảo, hội nghị. Vietravel phấn đấu đạt mức tăng trưởng trung bình trên 20%/năm theo định hướng tập trung phát triển MICE đến năm 2020 trong xu thế tất yếu của thị trường.