Đối mặt làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ ba và thứ tư diễn ra đúng vào mùa cao điểm du lịch, ngành dịch vụ lưu trú Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Doanh thu toàn ngành giảm 2.7% so với cùng kỳ năm 2020 với lượng khách du lịch chỉ bằng một nửa so với thời điểm trước dịch bệnh. Dưới sức ép của đại dịch, ngành lưu trú trong nước có trụ vững?
Dịch vụ lưu trú chịu ảnh hưởng xấu từ du lịch và lữ hành:
Trước khi có dịch bệnh, số lượng khách du lịch tại Việt Nam tăng trưởng đều qua các năm. Vào năm 2019, Việt Nam đón hơn 103 triệu lượt khách du lịch, trong đó, có hơn 18 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng khách du lịch tại Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận mức giảm sau nhiều năm, chỉ bằng khoảng 65% so với năm ngoái.
Trong 6T/2021, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khi chính sách kích cầu du lịch của Chính phủ phải tạm dừng để tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Mặc dù lượng khách du lịch nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước nhưng khách du lịch quốc tế không đáng kể, chủ yếu là khách lưu trú dài ngày hoặc đi công tác. Tổng thu từ khách du lịch đã giảm 24.2% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch vụ lưu trú trong nước gián tiếp gặp khó khăn
Là loại hình kinh doanh gắn liền với du lịch nên khi ngành du lịch suy yếu, ngành dịch vụ lưu trú cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều cơ sở lưu trú phải đóng cửa, hoạt động cầm chừng. Mặc dù đã tập trung cắt giảm tối đa chi phí, tình hình dịch bệnh kéo dài từ năm 2020 khiến một số cơ sở lưu trú phải chịu lỗ khá lớn, thậm chí đã phải rao bán.
Doanh thu ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống của Việt Nam trong 6T/2021 ước tính đạt 224.0 nghìn tỷ đồng, giảm 2.7% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Hà Nội
Giá cho thuê khách sạn giữ ở mức ổn định
Giá phòng trung bình tăng 1% theo quý nhưng giảm 9% theo năm. Khách sạn 3 sao dẫn đầu với doanh thu phòng trung bình đạt 28 USD/phòng/đêm nhờ nhóm khách chính là khách công tác và khách lưu trú dài ngày.
Giá cho thuê căn hộ sụt giảm
Giá thuê căn hộ giảm 8% theo năm. Trong vòng 5 năm trở lại đây, quận Cầu Giấy duy trì mức giá cho thuê cao nhất, đạt 32 USD/m2/tháng vào quý 2/2021. Quận Đống Đa vươn lên vị trí thứ hai, sau khi dự án hạng A Novotel Hanoi Thái Hà đi vào hoạt động.
Tại thành phố Hồ Chí Minh
Nguồn cung khách sạn giảm mạnh, giá cho thuê tăng nhẹ
Với tình hình hoạt động du lịch bị ngưng vì giãn cách, trong quý 2/2021, tại thành phố Hồ Chí Minh đã có 17 dự án khách sạn buộc phải tạm ngưng hoạt động. Còn 103 khách sạn đang hoạt động, khiến nguồn cung trên thị trường, giảm 10.7% theo quý. Tuy nhiên, một nửa trong số đó được sử dụng làm cơ sở cách ly tập trung có tính phí. Từ quý 3/2020, giá phòng tăng trung bình 3% theo quý.
Giá căn hộ cho thuê sụt giảm
Trung bình giá thuê giảm 4% theo quý và giảm 11% theo năm. Giá thuê hạng B giảm nhiều nhất do đối mặt với việc chấm dứt hợp đồng sớm, gần 30% dự án giảm giá tới 30% cho các hợp đồng thuê dài hạn. Nhiều ưu đãi khác được cung cấp thêm như miễn phí đậu xe ô tô, hỗ trợ tiền điện nước hoặc nâng cấp căn hộ lên diện tích thuê lớn hơn.
Trong tương lai, có tín hiệu khởi sắc nào cho ngành dịch vụ lưu trú Việt Nam?
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát kể từ cuối tháng 4/2021 đã khiến số ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận ở mức kỷ lục. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống phải tạm dừng hoạt động. Vì vậy, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống của Việt Nam trong quý 3/2021 dự báo sẽ giảm mạnh, kéo theo doanh thu cả năm 2021 tiếp tục giảm 7% so với năm 2020.
Ngành dịch vụ lưu trú của Việt Nam được dự báo sẽ bắt đầu khôi phục trở lại từ năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kép CAGR giai đoạn 2021 – 2025 đạt gần 9%, được thúc đẩy chủ yếu bởi khách du lịch nội địa. Do diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục phức tạp với nhiều biến chủng mới, nếu tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát sớm thì khách du lịch nội địa vẫn giữ vai trò cốt yếu, thị trường du lịch quốc tế cần thời gian khôi phục lâu hơn kể cả khi dịch bệnh kết thúc.