Ngành đồ uống Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022

Ngành đồ uống Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022

Ngành đồ uống – Những tín hiệu tích cực, tiêu cực trong những năm gần đây

Trước đại dịch COVID-19, thị trường bia – rượu – nước giải khát Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, theo báo cáo của VIRAC, ngành đồ uống Việt Nam bị thất thu kể từ năm 2020, đặc biệt ngành bia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau Nghị định 100 về phòng chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông cũng như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

 

Giai đoạn 2020 – 2021, các chỉ số sản xuất – tiêu thụ và giá trị tiêu thụ bia đều giảm. Thời điểm Q2/2020 và cuối Q2 – Q3/2021 được đánh giá là xấu nhất do chính sách giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đóng cửa trong thời gian dài hơn các ngành kinh doanh khác.

 

bao-cao-nganh-do-uong

 

Những tín hiệu phục hồi rõ rệt

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng luôn tăng trưởng đều đến năm 2019. Mức độ tăng trưởng trong năm 2020 và 2021 bị chậm lại do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với việc mở cửa trở lại nền kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có sự tăng trưởng trở lại trong năm 2022. Đây là cơ sở cho sự hồi phục của ngành đồ uống.

 

Theo World Bank, thu nhập người dân được cải thiện với dự báo GDP năm 2022 của Việt Nam tăng 5.5% so với mức 2.58% của năm 2021, là điều kiện thuận lợi giúp thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Theo số liệu thống kê ngành F&B qua nền tảng thanh toán Payoo, đến hết Q1/2022, doanh thu ngành này đã tăng gấp rưỡi, tổng số lượng giao dịch tăng 24% so với Q4/2021. Ứng dụng đặt món GoFood cho biết, trong Q1/2022, số lượng đơn hàng F&B đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

 

Nhu cầu tiêu thụ đồ uống tăng cao khi du lịch hoàn toàn mở cửa trở lại

 

Ngành du lịch hồi sinh sau khi các chuyến bay quốc tế được cấp phép cho mục đích thương mại kể từ Q1/2022, cùng với chuỗi sự kiện SEA Games 31 được tổ chức tại Hà Nội đã kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động giải trí, lưu trú và ăn uống, trong đó các ngành thực phẩm đồ uống như bia, nước giải khát có những tín hiệu tăng trưởng trở lại. 

 

Về thị trường bia, trong 3 tháng đầu năm, mức tiêu thụ đạt khoảng 1 tỷ lít với loại bia lon chiếm 65%.

 

Về thị trường rượu vang, tình hình sản xuất rượu vang Q1/2022 tăng 2.3% so với cùng kỳ năm 2021. Xét về sản phẩm, Rượu Vang từ quả tươi (đặc biệt là từ nho) vẫn là dòng sản phẩm nội địa được chú trọng sản xuất.

 

Về thị trường nước giải khát, trong Q1/2022 sản lượng nước giải khát tăng 11.6% so với cùng kỳ năm trước. Người Việt có xu hướng tiêu dùng các loại nước hoa quả nhập. Bởi: Thứ nhất, thu nhập trung bình người dân tăng lên, nhu cầu với các sản phẩm chất lượng hơn, tốt cho cho sức khỏe tăng lên; Thứ hai, sản phẩm nhập khẩu đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp.

 

Ngành đồ uống Việt Nam có cơ hội xuất khẩu sang thị trường quốc tế

 

Với 15 Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết, mới nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã và đang hỗ trợ đắc lực cho hoạt động thương mại của Việt Nam với nhiều thị trường lớn. 

 

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 46,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 49,6 tỷ USD.

 

Những năm qua, xuất khẩu đồ uống của Việt Nam đã có nhiều bước tiến mới và tạo dựng được uy tín trên thị trường quốc tế. Trung Quốc được đánh giá là thị trường rất tiềm năng cho nhiều mặt hàng Việt trong đó có nhóm hàng đồ uống. Trà và cà phê của Việt Nam giữ một vị trí quan trọng tại thị trường này. 

 

Những tín hiệu tiêu cực 

 

Giá bia tăng 30%

 

Do sự khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng “phi mã”, điển hình như nguyên liệu chính để sản xuất bia là đại mạch đã tăng tới 40 – 50%, các nguyên liệu khác như: Vỏ lon, vỏ hộp, phụ liệu, hóa chất… tăng trung bình 15% – 35% chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Hơn thế nữa, giá xăng dầu liên tục tăng “nóng”, cước phí vận tải cũng tăng theo,… Thêm vào đó, sự cạnh tranh diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần. Tất cả những điều này dẫn đến việc thiếu nguồn cung đầu vào và đứt gãy chuỗi cung ứng khiến giá bia tăng.

 

Tình trạng rượu không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng 

 

Theo báo cáo của VIRAC, hiện nay, trên thị trường có khoảng trên 70% rượu do cá nhân đơn lẻ tự nấu. Rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, môi trường kinh doanh, và đặc biệt là gây thất thu ngân sách Nhà nước.

 

Một số thống kê cho thấy, nguyên nhân của các vụ ngộ độc dẫn đến tử vong hoặc ảnh hưởng đến khả năng lao động là do sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa cồn công nghiệp methanol…

 

Ngành đồ uống Việt Nam trong tương lai gần

 

Ngành đồ uống  – chiều hướng tích cực

 

Thứ nhất, về Nghị định 100 (quy định về xử phạt đối với người điều khiển xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn), ảnh hưởng và tác động của nó sẽ giảm dần khi người tiêu dùng tự giác chấp hành vì sự an toàn của chính họ. Do đó, trong thời gian tới, nghị định này không phải là một yếu tố cốt lõi ảnh hưởng tới diễn biến tại thị trường bia ở Việt Nam. 

 

Thứ hai, nhờ sự mở rộng, triển khai nhanh chóng chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19, các hoạt động xã hội như giải trí ngoài trời, nhà hàng, du lịch và khách sạn đã mở cửa trở lại kể từ đầu năm 2022 dự kiến tổng doanh thu của ngành đồ uống sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm vào Quý 3/2022.

 

Ngành đồ uống –  chiều hướng tiêu cực

 

Lạm phát tăng cao, giá cả nguyên liệu đầu vào khó hạ nhiệt trong thời gian ngắn khiến giá bia tiếp tục tăng hơn nữa trong tương lai. 

 

Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt đối với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu.

 

Thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng thực phẩm nói chung và mặt hàng đồ uống nói riêng ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, hình ảnh và mẫu mã, bao bì,…

 

dang-ky-nhan-demo-bao-cao-nganh-do-uong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.