Thị trường nước giải khát Việt Nam: Doanh nghiệp trong nước bị áp đảo bởi nước ngoài

Những năm qua, ngành đồ uống Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những ngành chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường về các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát. Là thị trường năng động với dân số gần 89 triệu người, đa phần đang trong độ tuổi lao động cùng với tỷ lệ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng (CAGR) giai đoạn 2011 – 2020 đạt 8%, và được dự báo sẽ đạt mức tiêu thụ cao nhất Asean, thị trường đồ uống Việt Nam được xem như vùng “đất vàng” để kinh doanh đồ uống và điểm hẹn lý tưởng cho các nhà đầu tư. Sức hấp dẫn của thị trường đồ uống Việt Nam khiến các nhà đầu tư nước ngoài hừng hực chạy đua trên thị trường này, từ đó vô hình chung tạo ra sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp nội.

Theo đánh giá của các chuyên gia về thực phẩm đồ uống, triển vọng tăng trưởng ngành đồ uống Việt Nam đang vô cùng khả quan, cụ thể ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 12% trong giai đoạn 2010 – 2015 và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số trong năm 2017. Nhưng bên cạnh đó có một hiện thực đáng buồn là hơn 50% thị phần đồ uống Việt Nam đã rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.

Với sự định giá 2 tỷ USD cho 40% cổ phần của Cty Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ThaiBev – Công ty của tỷ phú với khối tài sản kếch xù đứng thứ ba Thái Lan đang cho thấy tham vọng ngày càng lớn trong việc giành thị phần trên thị trường đồ uống tại VN. Bên cạnh đó, công ty F&N Dairy Investments Pte Ltd của đại gia Thái Lan hiện sở hữu khoảng 11,04% vốn điều lệ của Vinamilk, trở thành cổ đông lớn thứ hai của Vinamilk. Thực tế này cho thấy sự càn quét như vũ bão của doanh nghiệp ngoại và bộc lộ rõ sự chênh lệch trong khả năng cạnh tranh của các DN nội với DN ngoại mà phần áp đảo thuộc về các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát nội đang phải hoạt động trong môi trường quá khắc nghiệt do cơ chế chính sách quản lý của nhà nước. Éo le thay, dù Việt Nam là một đất nước xuất khẩu phần lớn nông sản, hoa quả nhưng trong ngành giải khát lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu sản xuất từ nhập khẩu. Mặt khác, với nguồn vốn hạn hẹp, các DN nội không có khả năng phát triển thương hiệu và đưa sản phẩm của mình tiếp cận với thị trường, trong khi đó, khối ngoại nắm bắt cơ hội và sẵn sàng coi tiếp thị nước giải khát miễn phí là một giải pháp chủ lực khi chuẩn bị tung sản phẩm mới ra thị trường.

ThaiBev – Một trong những tài sản mà tỷ phú người Thái đang sở hữu tại Việt Nam

Rõ ràng, tiềm năng tăng trưởng và phát triển của ngành đồ uống Việt Nam là có thật, nhưng miếng bánh càng hấp dẫn bao nhiêu thì cạnh tranh giành thị phần hứa hẹn sẽ càng khốc liệt bấy nhiêu. Vì vậy doanh nghiệp nội cần chú trọng hơn đến khâu tạo thương hiệu cho sản phẩm của mình. Việc tạo thương hiệu không nhất thiết phải đầu tư vốn lớn quá sức mình để chạy theo các hoạt động truyền thông, tiếp thị mà có thể bắt đầu ngay bằng việc quan tâm đến cải tiến mẫu mã sản xuất. Đồng thời, các doanh nghiệp nội nên có sự liên kết với nhau và quan tâm hơn nữa tới việc cải thiện trình độ quản trị, công nghệ để bắt kịp với các thương hiệu mạnh của nước ngoài.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.